Đó là lý do các nhà đầu tư thực sự không mặn mà với vùng đất có tiềm năng về du lịch này. Khi giá bất động sản lao dốc hoặc đóng băng, chủ đầu tư lại bất động.
Dải bờ biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từng được người dân trong vùng chờ đợi sẽ thay da đổi thịt với những dự án du lịch được triển khai. Nhưng vì nhiều lý do, đến lúc này, yên ắng là tình trạng chung của các dự án.
Chưa có con số thống kê về số dự án du lịch treo ở các địa phương nhưng thực tế này xảy ra ở hầu hết các địa phương như căn bệnh chung ở các tỉnh miền Trung trong thu hút du lịch. Các chuyên gia kinh tế cho rằng không loại trừ hiện tượng đầu cơ quỹ đất để chờ nhà đầu tư thứ cấp hưởng lợi và đã đến lúc phải nhìn lại sự vội vã giao đất cho các nhà đầu tư trong thời gian qua.
TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung phân tích: "Đầu tư du lịch là đầu tư vốn nằm hàng chục năm nên tuyệt đối tránh hiện tượng đầu cơ đất. Nhiều địa phương ưu đãi bằng cách không thu tiền sử dụng đất 10 -15 năm đầu nên nhiều nhà đầu tư lợi dụng giữ quỹ đất lại".
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung kêu gọi đầu tư quá nhiều dự án nhưng chính quyền không có nguồn lực tạo ra quỹ đất "sạch" nên các dự án thường chỉ nằm trên giấy. Đây là lực cản trong thu hút các dự án du lịch bởi trong điều kiện cạnh tranh vốn đầu tư như hiện nay, khó có nhà đầu tư nào chấp nhận trả giá cho sự đầu tư quỹ đất và triển khai dự án vào khu vực chưa phải là đất "sạch".
Các chuyên gia cũng cho rằng tránh thu hút đầu tư dàn trải là điều mà các tỉnh miền Trung cần phải tính đến. Và để làm được điều này phải bắt đầu từ việc quy hoạch, phân loại các dự án đầu tư du lịch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!