Ấn tượng món quà bất ngờ của người bạn cùng lớp
12 năm ròng rã với những trận đấu trên khắp các sân cỏ trong và ngoài nước, nhưng cầu thủ Minh Nguyệt vẫn không thể quên được những ngày đầu tiên đến với bóng đá. Năm 2003, cô tham gia đội trẻ của Hà Tây (cũ) khi mới 17 tuổi, thậm chí còn không nghĩ đến việc sẽ theo nghiệp này.
"Trước khi đến với bóng đá, Nguyệt chỉ tham gia thể thao ở nhà như là cách để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, khi tham gia Hội Khỏe Phù Đông đạt giải nhất trường, nhất huyện rồi nhất tỉnh Hà Tây (cũ). Đến năm học lớp 8 (năm 1999), trong thời gian tập luyện để thi điền kinh trong Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc thì thường sang chơi với các chị cầu thủ bóng đá. Lúc đó, Nguyệt cũng cầm bóng để tâng, chú HLV trưởng có hỏi và đề nghị thử sức với bóng đá xem như thế nào", Nguyệt chia sẻ.
‘ Cầu thủ Minh Nguyệt chia sẻ: "Khi chịu đựng những cơn đau sau phẫu thuật, Nguyệt nghĩ không trở lại với bóng đá"
Đá bóng với nam giới đã vất vả thì thì sự vất vả đó với nữ giới còn tăng lên gấp nhiều lần. Thời gian tập luyệngiữa trời nắng hay thi đấu giữa trời mưa không còn là chuyện lạ với các cầu thủ.
"Thời gian tập mùa hè nắng nóng, da đều bị đen đi. Con gái đòi hỏi dịu dàng thì cầu thủ nữ cũng phải lăn xả, quyết liệt trong từng pha bóng. Có những cầu thủ phải nghỉ thi đấu vì chấn thương, với bóng đá nữ không nhiều nhưng không phải là không có", Minh Nguyệt tâm sự.
Khi đã xác định theo đuổi đam mê của mình, việc phải trải qua chấn thương trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là chuyện không thể tránh khỏi. Với Minh Nguyệt, cô đã trải qua nhiều chấn thương nhưng việc bị đứt dây chằng cheo trước phải nghỉ thi đấu 1 năm khiến cầu thủ này nhớ mãi.
Minh Nguyệt nhớ lại: "Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn. Khi chịu đựng những cơn đau sau phẫu thuật, Nguyệt nghĩ không trở lại với bóng đá. Lúc nằm trên giường bệnh, cựa mình thôi cũng thấy đau. Nhưng sau đó, khi tập đi trở lại, tập chạy, ngọn lửa đam mê khiến tôi vẫn tiếp tục cống hiến cho đội tuyển".
Quãng thời gian hơn 10 năm là cầu thủ đá bóng đã dạy cho cô gái dễ gần này tính tự lập, không nản chí. Bởi, cô xác định chấp nhận mọi khó khăn để vượt qua tất cả, thậm chí bóng đá đã dạy cho Nguyệt nhiều đức tính quý báu.
Khi hỏi về chuyện tình yêu, Minh Nguyệt chia sẻ, hiện tại cô chưa yêu ai. Dù xung quanh cô có nhiều người quan tâm, đặc biệt 2 người bạn (1 người cùng lớp, 1 người cùng trường cấp 3) vẫn chờ đợi nhiều năm qua. Món quà ngày 8/3 khiến cô bất ngờ nhất cũng đến từ một trong hai người con trai đó.
"Đó là một ngày 8/3 khiến tôi bất ngờ nhiều lắm, người bạn cùng lớp cấp 3 có tình cảm với tôi tặng một bó hoa rất to và tỏ tình. Tôi là người thẳng thắn và rõ ràng nên cũng nói là từ tình bạn chuyển sang tình yêu phải cần thời gian. Trên thực tế, nghề nghiệp của tôi cũng đặc thù nên cần phải có một người thực sự hiểu và thông cảm", Minh Nguyệt kể lại.
Mỗi dịp 8/3 hay 20/10...trong lòng Minh Nguyệt luôn nghĩ về mẹ, những người thân và các chị em trong đội. "Ngày 8/3 cũng đến rồi, Nguyệt xin gửi lời chúc mừng tới mẹ, các chị, bạn đồng đội luôn vui khỏe, xinh đẹp và thành công hơn nữa. Bản thân Nguyệt mong muốn câu lạc bộ dành được thành tích cao nhất, đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia dành được vé thi đấu World Cup ở Canada trong thời gian tới", Minh Nguyệt chia sẻ.
Ngày 8/3 nghĩ về người mẹ tần tảo
Không bị bố mẹ ngăn cấm từ đầu, cầu thủ Nguyễn Thị Muôn tham gia bóng đá nữ đến nay đã được 10 năm. Từ những ngày chơi bóng đá cùng với một số người trong thôn, nhận thấy cô có khả năng nên giới thiệu vào tập lớp năng khiếu. Chưa bao giờ xa nhà, ban đầu Nguyễn Thị Muôn cũng nhớ bố mẹ nhưng rồi mọi thứ cũng quen dần.
Trong 10 năm theo đuổi ước mơ và niềm đam mê với bóng đá, Nguyễn Thị Muôn ấn tượng nhất là khi được thi đấu chính thức cùng đội tuyển trong kỳ Seagames tổ chức ở Lào. Lần đầu tiên thi đấu ở sân chơi lớn, cô gái trẻ cũng có chút ngợp nhưng ý chí tự nhủ phải cố gắng hết sức mình. Niềm vui chiến thắng, vô địch bóng đá nữ Seagames lần đó khiến Muôn nhớ mãi.
‘ Nguyễn Thị Muôn xác định việc quan trọng hiện tại là thi đấu tốt và hoàn thành việc học
Cũng giống như quan điểm của Minh Nguyệt, cầu thủ Nguyễn Thị Muôn cũng nhận thấy những vất vả khi một cô gái tham gia bóng đá nữ. "Những khi thời tiết nắng nóng thì chúng tôi tập luyện. Mặt mũi, da đen trũi. Đôi khi gặp bạn bè ở ngoài cũng tự ti vì ai cũng trắng trẻo còn với các bạn cùng thi đấu thì không có gì ngại cả. Vất vả là thế nhưng cá nhân tôi có đam mê nên vượt qua được tất cả", cầu thủ này tâm sự.
Lịch trình một ngày của một cầu thủ bóng đá nữ, 6h30 ăn sáng, 8h30 tập đến 10h30 sáng, 11h ăn cơm rồi nghỉ trưa, 15h-17h tập, buổi tối về phòng trước 9h. "Hiện tại, Muôn vẫn chưa có người yêu, tôi cũng chưa nghĩ đến điều này", Nguyễn Thị Muôn tâm sự.
Mỗi ngày 8/3 đến, cô cũng nhớ vềmẹ như biết bao người con khác. Biết lòng mẹ muốn cô sớm tính chuyện lấy chồng vì bạn bè cùng trang lưa đã có gia đình ổn định, nữ cầu thủ này cũng hiểu chưa làm hài lòng mẹ về điều này. Tuy nhiên, trước mắt cô vẫn xác định thi đấu thật tốt và hoàn thành việc học.
8-3 năm nay là ngày gia đình sum họp
Cầu thủ Nguyễn Thị Nga sau thời gian nghỉ sinh con và chăm lo cho tổ ấm nhỏ đã trở lại với sân cỏ đúng dịp Seagames tổ chức tại Myanmar vừa qua. Mặc dù, đã là mẹ của một em bé đáng yêu nhưng nhiệt huyết của cầu thủ này với bóng đá vẫn chưa dừng lại.
Sinh ra và lớn lên ở Thường Tín (Hà Nội) – nơi có truyền thống về bóng đá nữ, đam mê với trai bóng tròn ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Thị Nga. Ban đầu chỉ là thích rồi xin vào đội của xã, sau đó lên chơi cho đội ở huyện và tỉnh Hà Tây (cũ). Cũng như hầu hết các cầu thủ khác, Nguyễn Thị Nga cũng không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ khi quyết định theo nghiệp “quần đùi, áo số”.
‘ Cầu thủ Nguyễn Thị Nga (áo đỏ) trong một pha bóng (Ảnh: Dân Việt)
“Bố mẹ của tôi cũng cấm lên cấm xuống khi biết theo bóng đá. Sau đó, tôi chuyển sang học võ, rồi lại quay về với bóng đá. Dù bố mẹ cấm nhưng cuối cùng vẫn ủng hộ, vì thấy được đam mê và tinh yêu với bóng đá của tôi”, cầu thủ này chia sẻ.
Trong thời gian này, Nga và các đồng đội đang thi đấu lượt về giải bóng đá nữ Quốc gia. Xa nhà gần 1 tháng, mùng 8/3 năm nay cũng là ngày cô và các đồng đội được trở về Hà Nội. “Mùng 8/3, chồng của Nga cũng từ đơn vị về nhà, cả nhà sẽ sum họp sau gần 1 tháng xa cách. Ông xã của tôi rất hiểu và chia sẻ với công việc của vợ. Dù bất cứ ngày lễ nào, Valentine, 20.10 và 8/3 luôn cố gắng thu xếp để trao tận tay vợ một món quà hoặc chỉ là một bông hoa hồng thôi”, cầu thủ Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Quen nhau qua một người em gái, Nguyễn Thị Nga và ông xã sau những lần đi uống nước cùng nhau mà bén duyên từ lúc nào không hay. Sau thời gian yêu nhau 5 năm, cả hai người tiến tới hôn nhân. Khi nói về ông xã, cầu thủ Nguyễn Thị Nga vui vẻ nói: “Ông xã luôn động viên tôi, cổ vũ để vợ hoàn thành nhiệm vụ, Những lúc thi đấu xa nhà nhưng tôi luôn tin tưởng anh ấy, luôn hết lòng vì gia đình”.
Thương con nhiều nhưng vì nhiệm vụ và màu cờ sắc áo mà Nguyễn Thị Nga vẫn cố gắng vượt qua tất cả. "Từ khi có con, thời điểm tập trung cùng đội tuyển năm ngoái là lâu nhất. Nhớ con, nhớ gia đình nhưng phải chấp nhận. Những lúc rỗi, Nga đều gọi về cho con", Nguyễn Thị Nga xúc động nói.