Đâm, xoạc, di chuyển là những bài cơ bản nhất của môn đấu kiếm, điều này thì Thành Trung có lợi thế hơn hẳn bởi em luôn có được sự chỉ dạy của người anh Tiến Nhật. 12 tuổi, Trung đã có gần 3 năm tập luyện môn này, động lực chính thì lại nằm ở thành công của 2 người anh đi trước.
Khi Nhật đã thuần thục với kiếm, thì cũng là lúc người anh cả Văn Thắng cũng quyết định theo con đường mà người em đã chọn. Để rồi tại SEA Games 28, 2 anh em đã thi đấu thành công khi giành vàng ở nội dung đồng đội, riêng Tiến Nhật còn giành thêm 1 HCV cá nhân kiếm 3 cạnh.
3 anh em cùng theo đuổi nghiệp kiếm và chẳng biết từ khi nào đấu kiếm lại trở thành một phần không thể thiếu trong gia đình của Nguyễn Tiến Nhật. Kiếm kết nối thế hệ, kiếm lan tỏa yêu thương và chỉ có niềm đam mê mới giúp 2 chị em song sinh nhà Lệ Dung gắn bó với môn thể thao này.
Hai chị em cùng lên tuyển, cùng tập luyện, cùng thi đấu. Mỗi khi Lệ Dung phải chuẩn bị cho một giải đấu lớn, là cô chị Hoài Thu lại trở thành quân xanh và là nguồn động viên to lớn giúp Lệ Dung vượt khó khăn để giành thành tích tốt nhất.
Gia đình là tế bào của xã hội, và những gia đình kiếm như thế này cũng đang trở thành những hạt nhân quan trọng trong sự phát triển của đấu kiếm Việt Nam.