Di Maria bị “triệt” vì Van Gaal
Dấu ấn lớn nhất của HLV Van Gaal trong hai trận gần nhất (khi MU có đầy đủ lực lượng) là việc đôn Di Maria thi đấu trong vai trò tiền đạo trong sơ đồ 3-5-2. Thực tế, đó không phải phát kiến quá mới mẻ của chiến lược gia này.
Ý đồ của Van Gaal quá rõ ràng. Ông muốn sử dụng Di Maria, cầu thủ có tốc độ, sự khéo léo như vai trò của Robben ở ĐT Hà Lan ở World Cup 2014. “Tôi nghĩ tốc độ là yếu tố quan trọng. Do đó, tôi đã thử sử dụng Di Maria. Tôi muốn cải thiện tốc độ hàng công”, HLV người Hà Lan lý giải về quyết định của mình.
Tuy nhiên, ai cũng thấy, ít nhất cho tới lúc này kế hoạch của ông đã thất bại. Trận đấu với QPR (cũng như trước Southampton) chứng kiến nỗi thất vọng lớn mang tên Di Maria. Trong cả trận đấu, tiền vệ người Argentina đã bị bó buộc trong khoảng không chật hẹp. Hầu như anh không thể hiện được bất kỳ điều gì (chỉ có 2 lần rê bóng thành công, thực hiện 37 đường chuyền, 9 lần mất bóng). Đó thực sự là Di Maria “tội nghiệp”, khác xa với hình ảnh vẫy vùng của cầu thủ này hồi đầu mùa.
Không chỉ có Di Maria, cả hệ thống của MU đều có vấn đề vì sơ đồ 3-5-2. Trước khi Fellaini vào sân, MU trở nên bế tắc đến tội nghiệp. Họ dồn ép đối phương nhưng không thể xuyên thủng được hàng phòng ngự của QPR (kém nhất Premier League).
Không khó để lý giải cho điều này. Di Maria luôn muốn di chuyển rộng, cộng thêm ở phía dưới, hai tiền vệ công Juan Mata và Wayne Rooney cũng vậy. Điều đó khiến cho họ liên tục giẫm chân. Hay nói cách khác, MU bố trí nhiều cầu thủ tấn công nhưng điều đó lại “phản” lại chính họ bởi các cầu thủ không có nhiều không gian.
Mấu chốt thất bại của sơ đồ 3-5-2 ở chỗ, MU buộc phải tấn công, thay vì phản công như ĐT Hà Lan. Khi ấy, việc bị đẩy lên quá cao, khiến “mắt xích quan trọng” nhất, Di Marid không có cơ hội sử dụng tốc độ, kỹ thuật của mình như Robben ở World Cup 2014.
Van Gaal có hết bảo thủ?
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, người ta thấy sơ đồ 3-5-2 có vấn đề. Tỷ lệ thống kê cho thấy, "Quỷ đỏ" chỉ thắng 27% khi sử dụng “công thức” này. Tuy nhiên, HLV Van Gaal vẫn không hề muốn thay đổi. Đó gần như là sự bảo thủ trong vô vọng, khi đã có quá nhiều thời gian cho ông thử nghiệm sơ đồ này (sử dụng 12/22 trận).
Sự xuất hiện của Fellaini, Wilson mang tới bước ngoặt chiến thuật cho MU
Bước ngoặt của trận đấu với QPR tới từ thời điểm Fellaini, Wilson vào sân. Ở thời điểm ấy, MU đã chuyển sang sơ đồ 4-4-2 (tiền vệ kim cương), với cặp tiền đạo Falcao và Wilson. Trong khi đó, Di Maria đóng vai trò như "đỉnh kim cương".
Kết quả, ai cũng biết, lối chơi của MU đã có những sắc màu mới và cuối cùng, họ đã ghi được những bàn thắng do công của Fellaini và Wilson. Trong khi đó, sau trận đấu, dù bảo vệ sơ đồ 3-5-2 nhưng HLV người Hà Lan cũng thừa nhận đội bóng đã tạo được nhiều cơ hội hơn từ “công thức” 4-4-2.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ chiến thắng của MU rất cao khi sở dụng sơ đồ 4-4-2. Trong 5 trận ra sân với chiến thuật này, MU đã giành được tới 4 chiến thắng (QPR lượt đi, West Ham, Everton, Stoke City) và chịu 1 thất bại (Leicester City).
Thực tế, điều mà HLV Van Gaal lo ngại khi chuyển sang sơ đồ mới là khả năng phòng ngự của MU sẽ bị ảnh hưởng. Bằng chứng là việc QPR cũng tạo ra được những cơ hội nhất định sau khi nhà cầm quân này thay đổi chiến thuật.
Tuy nhiên, điều cần phải nhấn mạnh, đó là sự linh hoạt. Việc HLV Van Gaal thay đổi sơ đồ 4-4-2 ở trận đấu với QPR cho thấy ông bắt đầu hướng tới sự thay đổi. “Chúng tôi cần quyết định sẽ chơi như thế giới vào mỗi tuần”, ông chốt lại bài phát biểu của mình.
Sự thay đổi trong tư tưởng của Van Gaal mang tới niềm tin nhất định cho CĐV MU.