V League năm nào cũng có những quãng nghỉ khác thường tuỳ theo chiến dịch thi đấu của đội tuyển quốc gia. Năm ngoái với SEA Games kìa các đội bóng còn phải nghỉ dài hơn. Tất cả các đội bóng đều biết các kế hoạch này, và quyết định cuối cùng về kế hoạch bóng đá cả một năm được thông qua với sự thống nhất của tập thể ban chấp hành VFF bao gồm các đội bóng chứ một cá nhân ông chủ tịch thì cũng không áp đặt được chuyện này. Nhưng mà thường là các nhân sự đi họp ban chấp hành VFF của CLB thì lại không phải là người lên kế hoạch về chuyên môn, họ có thống nhất với các HLV của đội mình hay không thì không biết.
Sự bất cập của việc sắp xếp này thì rõ ràng rồi, kế hoạch chuẩn bị các đội bóng sẽ thiếu đi sự khoa học về nhiều mặt, nào là tích luỹ thể lực, điểm rơi phong độ, chăm sóc sân bãi rồi nhiều thứ khác.
Nhưng không thể phủ nhận việc các đội tuyển quốc gia Việt Nam có được thành công rất ổn định trong năm năm qua một phần là nhờ quĩ thời gian chuẩn bị dài khác thường các đội bóng khác. Năm ngoái Giải vô địch quốc gia cũng chỉ đá có 4 vòng trước khi nghỉ hẳn 3 tháng, trong quãng thời gian đó Đội U23 Việt Nam bảo vệ chức vô địch địch SEA Games và sau đó cầm hoà Hàn Quốc lọt vào tứ kết giải U23 Châu Á. Các nền bóng đá khác giải vô địch quốc gia không dừng cho các sự kiện như vậy.
Và một thứ cũng khá đặc biệt ở bóng đá Việt Nam đó là các tài năng trẻ thường toả sáng trong màu áo các tuyển trẻ quốc gia rồi sau đó mới quay trở lại khẳng định mình ở đội 1 CLB. Ví dụ: Giải U20 Thế giới chính thức giúp Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Hoàng Đức bắt đầu khẳng định mình. Giải U23 Thường Châu tưng bừng đưa thế hệ vàng trở về CLB với một vị thế mới. Rồi SEA Games mới đây nhất khiến cho giờ đây khán giả đặt câu hỏi khi xem các trận đấu ở cấp CLB, Khuất Văn Khang đâu rồi, Nhâm Mạnh Dũng được ra sân chưa. Tiến Long đâu rồi lâu không thấy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!