Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy

Theo Người Lao ĐộngCập nhật 17:59 ngày 21/12/2017

VTV.vn - Bình sơn xịt tự hủy đang khiến FIFA hết sức đau đầu vì vấn đề bản quyền, kể cả bị kiện và nộp phạt.

Theo đơn khởi kiện của nhà phát minh Heine Allemagne, một tòa án ở Rio de Janeiro (Brazil) vừa yêu cầu FIFA chấm dứt ngay việc cho sử dụng bình sơn xịt tự hủy trên sân cỏ toàn thế giới do không tôn trọng vấn đề tác quyền. Tòa án này khẳng định, nếu tiếp tục vi phạm, FIFA sẽ bị phạt 15.000 USD cho mỗi trận đấu, theo thông tin từ tờ The New York Times.

Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy - Ảnh 1.

Heine Allemagne, "cha đẻ" của phát minh bình sơn xịt tự hủy

Heine Allemagne cho biết đã phải nghiên cứu mất 14 năm cho phát minh mà sau đó được cả thế giới bóng đá đón nhận một cách nhanh chóng bởi sự hữu ích của nó. Thoạt nhìn tương tự bọt kem cạo râu với thành phần chủ yếu là nước (80%), khí butane (17%) và hoạt chất tạo bề mặt (1%), sơn tự hủy sau khi ra khỏi bình xịt sẽ tạo thành các vạch vẽ theo ý muốn và tự động biến mất sau 60 giây. 

Được sử dụng trong bóng đá, sơn tự hủy giúp trọng tài dễ dàng tạo khoảng cách 9,15m giữa cầu thủ đá phạt và hàng rào cầu thủ đội bóng đối phương. Các số liệu chỉ ra rằng, nhờ sơn tự hủy mà thời gian trung bình cần cho một pha đá phạt giảm từ 48 xuống còn 20 giây, giảm hẳn thời gian bóng chết và duy trì sự hưng phấn cần thiết cho khán giả khi theo dõi.

Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy - Ảnh 2.

Sơn xịt tự hủy tại khóa tập huấn trọng tài World Cup 2014

Heine Allemagne cùng với đối tác người Argentina Pablo Silva nộp đơn đăng ký sở hữu bản quyền phát minh rồi bắt tay sản xuất sơn tự hủy cũng như lập website "9.15 Fair Play" để giới thiệu sản phẩm. 

Được sự ủng hộ của cố Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Argentina Julio Grondona, sơn tự hủy được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 9-1998 ở một trận đấu Giải Hạng nhì Argentina rồi xuất hiện tại Copa Sudamericana, Copa Libertadores, giải nhà nghề Mỹ MLS… Gần 20.000 trận đấu chuyên nghiệp ở khu vực Nam Mỹ sử dụng sản phẩm này trước khi FIFA chứng nhận việc sơn tự hủy được sử dụng rộng rãi kể từ năm 2012. World Cup U20 2013 và World Cup 2014 là những giải đấu lớn đầu tiên mà khán giả trên toàn thế giới chứng kiến trọng tài sử dụng sơn tự hủy như một thành tố quan trọng của các trận đấu.

Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy - Ảnh 3.

Sơn tự hủy tạo khoảng cách trong các pha đá phạt

Heine cung cấp cho FIFA 320 bình xịt với giá 5 USD/ bình và người đàn ông Brazil này có vẻ sẽ sớm trở thành triệu phú nhờ phát minh của mình. Làng bóng Anh "đặt hàng" 2.000 bình sơn xịt tự hủy để các trọng tài sử dụng trong 5 năm còn người Ý mua ngay 5.000 bình để áp dụng cho 3 giải đấu cao nhất là Serie A, Serie B và Lega Pro ngay trong mùa bóng 2014 - 2015.

Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy - Ảnh 4.

"Công cụ mới" có thể sẽ không còn đồng hành cùng trọng tài

Theo nhật báo The New York Times, FIFA đã thương thảo mua lại bản quyền sơn xịt tự hủy vào đầu năm 2014 nhưng 500.000 USD là mức giá "quá bèo bọt" để Allemagne và Silva có thể chấp nhận. Cả hai từ chối "tặng không" hơn 300 bình sơn đã sử dụng ở World Cup 2014 và FIFA đột ngột "quay ngoắt" sau giải đấu này, không tiếp tục thảo luận về bản quyền nữa.

Vi phạm bản quyền, FIFA mất 100 triệu USD vì sơn xịt tự hủy - Ảnh 5.

V- League cũng đã sử dụng sơn xịt tự hủy từ năm 2016

FIFA phủ nhận sự sáng tạo của Allemagne và Silva trong khi hai đồng tác giả này quyết tâm bảo vệ quyền sáng chế của mình. Tháng 8/2017, cả hai đệ đơn kiện FIFA lên tòa án thành phố Rio de Janeiro, yêu cầu tổ chức này không được tiếp tục sử dụng bình sơn xịt tự hủy ở các trận đấu. Ngoài việc đòi bồi thường 100 triệu USD, họ còn cảnh báo nếu mỗi trận đấu vi phạm, FIFA sẽ phải nộp phạt 15.000 USD! Allemagne và Silva đã đăng ký bản quyền sơn xịt tự hủy ở 44 quốc gia trên khắp thế giới.

* Sơn xịt tự hủy không ảnh hưởng tới sức khỏe của cầu thủ hay làm hư hại bề mặt sân cỏ. Gia đình Heine ở thị trấn Ituiutaba, rất nghèo và Heine đã bỏ ra 14 năm để cho ra đời phát minh này. Giới trọng tài ban đầu hoài nghi nhưng dần cảm thấy tự tin khi sử dụng sơn tự hủy mà không cần đối mặt với những tranh cãi vô bổ của cầu thủ đôi bên.