Bóng đá Nhật Bản là ví dụ tiêu biểu cho việc xuất khẩu cầu thủ để tăng cường thực lực và thu ngắn khoảng cách với thế giới. Năm 1977, Yasuhiko Okudera trở thành cầu thủ đi tiên phong cho trào lưu xuất khẩu cầu thủ của đất nước mặt trời mọc khi chuyển tới Đức để thi đấu cho CLB Cologne. Sau 9 mùa giải ghi dấu ấn đậm nét tại giải bóng đá VĐQG Đức, Okudera đã tạo niềm cảm hứng để bóng đá Nhật Bản mạnh dạn xuất khẩu thêm những nhân tài bóng đá khác của quốc gia mình ra thi đấu tại châu Âu.
Những Hidetoshi Nakata, Shinji Ono sau những tháng ngày xuất ngoại tại Italia và Hà Lan đã mang tới những nét khởi sắc cho ĐTQG Nhật Bản. Sau khi cú sốc về nhì tại Cúp Liên đoàn các châu lục 2001, Nhật Bản đã tiếp tục có lần đầu tiên vượt qua vòng bảng VCK FIFA World Cup 2002; họ lặp lại thành tích vào vòng 1/8 của 1 VCK World Cup vào năm 2010.
Kagawa, Okazaki, Honda - những ngôi sao Nhật Bản đang thi đấu tại châu Âu
Tháng 5/2012, Shinji Kagawa gia nhập Manchester United. Tháng 10/2012, anh ghi bàn thắng duy nhất giúp ĐT Nhật thắng ĐT Pháp 1- 0 ngay tại Stade de France. Những thành quả đó không phải là kết quả tình cờ. Nó là sự phát triển nấc thang sau một quá trình dài chuẩn bị với rất nhiều cầu thủ Nhật Bản thi đấu ở châu Âu, tính đến nay đã 40 năm. Con đường mà bóng đá Nhật Bản đã và vẫn đang đi mang tới cho bóng đá Việt Nam bài học về việc "tiến ra biển lớn" là cách nhanh nhất để học hỏi và tiệm cận đẳng cấp thế giới.
Những chuyến đi đơn lẻ đầu tiên của các cầu thủ đàn anh, ở thời điểm đã qua đỉnh cao phong độ trong quá khứ như Lê Huỳnh Đức hay Lê Công Vinh, chính là bàn đạp cho những chuyến xuất ngoại gần đây của các tài năng trẻ của CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, vốn đã được đào tạo rất bài bản.
Cha ông ta có câu tục ngữ: "Đi một ngày đáng, học một sàng khôn". Mong rằng, mỗi chuyến xuất khẩu cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài sẽ có thể mang đến những lợi ích cho không chỉ bản thân cầu thủ mà từng cá nhân tố đó có thể mang đến bước chuyển mình cho nền bóng đá Việt Nam trong tương lai không xa.