Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, cũng như những kiến thức về dinh dưỡng trong thể thao, các đầu bếp của Trung tâm huấn luyện thể thao Sportschule Wedau hiểu rất rõ nhu cầu năng lượng của các cầu thủ như thế nào và phải đáp ứng ra sao.
Ông Ralf Pontow, bếp trưởng Trung tâm huấn luyện thể thao Sportschule Wedau cho biết: "Một bữa ăn thông thường như thế này của đội tuyển U20 Việt Nam gồm 3 thành phần chính là protein trong thịt lợn, hay thịt bò; chất bột đường từ các loại bánh mỳ, ngũ cốc và vitamin, hoa quả tráng miệng. Ngoài ra, một thành phần các cũng rất quan trọng chính là chất béo thực vật, nhằm giúp các cầu thủ có đầy đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất …"
Bên cạnh nguồn thực phẩm được kén chọn kỹ càng, kỹ thuật chế biến và thực đơn cũng được thay đổi hàng ngày để tránh sự nhàm chán và tạo cảm giác ngon miệng cho các cầu thủ. Không dừng lại ở đó, các bữa ăn tại đây luôn được tính toán khoa học giống như các câu lạc bộ tại nước ngoài. Thậm chí, các chế độ dinh dưỡng đặc biệt hoặc kiêng khem dành cho cầu thủ trong những tình huống cụ thể, như chấn thương cũng luôn được tính tới.
Bác sĩ Trương Công Dũng, ĐT U20 Việt Nam cho hay: "Đối với các bạn đó thì khối lượng bài tập giảm, nhưng theo dõi cân nặng mỗi ngày thì rất ít, chỉ có một vài bạn là có tăng cân, còn đa số các bạn đều giữ được cân nặng. Điều đó chủ yếu là do trong khẩu phần ăn không có chất béo động vật nhiều nên không tăng cân, dù tập luyện của các bạn có giảm đi".
Với nhiều cầu thủ trẻ thì những bữa ăn giàu dinh dưỡng như thế này là điều khá xa lạ. Tuy nhiên, tất cả đều ý thức được đây chính là một phần kiến thức và kỷ luật tập luyện, nhằm giúp họ đạt thành tích cao hơn trong khi thi đấu.
Dinh dưỡng thể thao là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành tích thi đấu của các đội bóng. Và những điều đã thu nhận được trong chuyến tập huấn tại châu Âu lần này, rất có thể sẽ mang tới một góc nhìn chính xác hơn về dinh dưỡng trong thể thao tại Việt Nam.