Góc nhìn : Giá trị của một cầu thủ hay giá trị của một nền bóng đá

Cập nhật 11:04 ngày 21/10/2014

Qua những thương vụ chuyển nhượng liên quan đến Công Vinh cần nhìn nhận lại giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam ở góc độ giá trị của một cầu thủ và giá trị của một nền bóng đá.

 


Tuần qua báo chí trong nước tốn không ít giấy mực về giá trị 29 tỷ đồng của một cầu thủ bóng đá nội, đó là Lê Công Vinh với bản hợp đồng chuyển nhượng từ SLNA đến Becamex Bình Dương. Lưu ý rằng, 29 tỷ đồng ở đây là tổng giá trị chuyển nhượng mà các CLB bóng đá đã bỏ ra để có sự phục vụ cầu thủ này qua 4 lần chuyển nhượng.

Kể từ khi được đôn lên thi đấu ở đội 1 SLNA năm 2004, theo thời gian, tài năng và thương hiệu Công Vinh ngày một được khẳng định. Sau 4 năm chinh chiến trong màu áo SLNA, năm 2008, Công Vinh chính thức đầu quân cho CLB Hà Nội T&T với mức giá chuyển nhượng là 8 tỷ đồng. Đó là mức phí chuyển nhượng kỷ lục của bóng đá Việt Nam tại thời điểm đó. Nó phản ánh bối cảnh của V.League thời kỳ đầu. Những đội bóng giàu truyền thống đào tạo ra cầu thủ nhưng không đủ tiền để nuôi nấng những tài năng, trong khi những đại gia mới nổi lắm tiền nhiều của cần những hợp đồng bom tấn để đánh bóng tên tuổi.

Năm 2012, sau 4 năm thi đấu cho Hà Nội T&T, Công Vinh bất ngờ là người của CLB Hà Nội. Số tiền mà CLB này phải chi ra để có được sự phục vụ của Lê Công Vinh được cho là lên tới 13 tỷ đồng, kèm theo đó là mức lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Đây được coi là thời kỳ cực thịnh của các cầu thủ, khi mà các bản hợp đồng trong bóng đá nội bị các nhà môi giới thổi phồng quá mức, trong khi các ông chủ đội bóng coi việc sở hữu đội bóng là thứ trang sức xa sỉ.

Thời điểm Công Vinh trở về thi đấu cho đội bóng quê hương SLNA một lần nữa mà không một đồng phí chuyển nhượng cũng đánh dấu cuộc chơi V.League đã trùng xuống, nhiều ông chủ bắt đầu tháo chạy khỏi bóng đá, nhiều đội bóng bị giải thể, không còn bom tấn mà chỉ còn nỗi lo thất nghiệp.

Tháng 10/2014 Công Vinh chính thức đầu quân cho Becamex Bình Dương với bản hợp đồng được cho là 8 tỷ đồng. Một lần nữa quê hương không thể giữ chân chàng tiền đạo nổi danh do tài chính hạn hẹp, còn đội bóng mới của anh có lẽ điểm sáng duy nhất cho đến lúc này của V.League dám bỏ một số tiền lớn như vậy để nuôi dưỡng tham vọng.

 


Công Vinh lại khiến báo chí tốn giấy mực khi đầu quân cho B.Bình Dương

Những cú áp phe mang tên Công Vinh vô tình phản ánh các giai đoạn của V.League và giá trị của anh cũng thay đổi theo thời gian để dần trở về với những cái thực hơn của một nên bóng đá.

Có ai đó sẽ hỏi rằng sao những CLB như Leixoes ở Bồ Đào Nha hay 1 Consadole Sapporo có tới 5 tháng để đánh giá 1 tài năng như Vinh lại không đưa một hợp đồng bom tấn.Câu trả lời những đội bóng đó luôn đánh giá đúng giá trị của một cầu thủ và họ đang ở một nền bóng đá thực hơn chúng ta nhiều.

Nguyễn Nghĩa
(Thethao.vtv.vn)