Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội

Anh QuânCập nhật 02:01 ngày 25/07/2020

VTV.vn - Tranh cãi đã xảy ra khi trọng tài Trần Văn Trọng không thổi penalty cho CLB TP Hồ Chí Minh ở hai tình huống Thành Chung (CLB Hà Nội) để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh và CLB Hà Nội là tâm điểm ở vòng 11 LS V.League 1-2020. 2 đội đã cống hiến lối chơi tấn công đẹp mắt cho khán giả. Sau hiệp 1 không có bàn thắng, CLB Hà Nội đã ghi liền 3 bàn trong nửa cuối hiệp 2 để giành chiến thắng 3-0 trước đội chủ sân Thống Nhất.

Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 1.

CLB Hà Nội đã giành chiến thắng 3-0 trước CLB TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, những quyết định của trọng tài trong trận đấu này lại tiếp tục gây ra tranh cãi cả trong và sau trận đấu.

Cụ thể, ở phút 18 Công Phượng có tình huống sút bóng chạm tay Thành Chung. Sau đó đến phút 45+1, sau cú tạt của Sầm Ngọc Đức, bóng đập chân Quang Hải rồi trúng tay Thành Chung đang đứng ở vị trí rất gần.

Ở cả hai tình huống này, các cầu thủ CLB TP.HCM đều phản ứng dữ dội khi trọng tài chính Trần Văn Trọng xua tay, không thổi phạt penalty. Đây cũng trở thành chủ đề gây ra nhiều tranh cãi khi có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra về quyết định có penalty hay không.

Công Phượng sút bóng chạm tay Thành Chung ở phút 18

Trước tiên, về tình huống ở phút 18 khi Công Phượng sút bóng trúng tay Thành Chung, giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn cho rằng trọng tài đã bắt đúng.

"Ở tình huống này, Thành Chung đã cố ý giấu tay vào phía sau lưng chứ không mở rộng tay hay cố ý chơi bóng bằng tay nên trọng tài không thổi phạt đền là chính xác. Trọng tài đã xử lý đúng ở tình huống này".


Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 3.

Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền chỉ nhận xét về tình huống ở phút 18, còn tình huống ở cuối hiệp 1 ông cho biết mình không quan sát rõ nên sẽ đưa ra ý kiến của mình sau khi xem lại hình trận đấu

Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền cũng có cùng ý kiến: "Thành Chung để bóng chạm tay trong thế bị động, tốc độ bóng nhanh và khoảng cách gần. Tư thế của cậu ấy cũng tự nhiên. Trọng tài không thổi phạt là chính xác".

Tuy nhiên trên sóng truyền hình, cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Như Thuần lại có quan điểm khác khi anh cho rằng phải có một quả penalty cho CLB TP.HCM vì bóng nếu không chạm tay Thành Chung sẽ hướng thẳng về phía khung thành.

Tình huống Thành Chung để bóng chạm tay phút 45+1

Còn về tình huống lần thứ hai Thành Chung để bóng chạm tay, ông Đoàn Phú Tấn nhận xét: "Khác với tình huống ở phút 18, tình huống này, Thành Chung không chơi bóng, bóng từ người khác bật vào tay Chung khi tay Chung đã mở rộng thì dù bóng được sút từ cự ly gần hay xa, cũng coi là đã chạm tay trong vòng cấm và phải thổi phạt đền.


Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 5.

Giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn cho rằng nên thổi phạt đền ở tình huống chạm tay thứ 2 của Thành Chung

Trọng tài Trọng ở pha bóng này không thổi phạt đền là không có quyết định chuẩn. Vì thế, tôi nói, trọng tài Trọng có cả quyết định đúng và cả quyết định sai. Nếu tôi là trọng tài ở trận này, tôi sẽ cho CLB TP.HCM hưởng phạt đền ở tình huống thứ 2".


Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 6.

Ông Phan Anh Tú lại cho rằng trọng tài đã chính xác trong tình huống thứ 2

Trong khi đó, chuyên gia Phan Anh Tú lại cho rằng không có penalty là chuẩn xác: "Trọng tài bắt như thế là dũng cảm và thông minh. Chúng ta luôn cần nhớ rằng đó là hai yếu tố rất quan trọng với trọng tài. Ở pha bóng cuối hiệp 1, trọng tài xác định Thành Chung không hề cố tình chơi bóng bằng tay mà bóng vô tình bật ra rồi chạm vào tay anh ta trên đường chạy về. Nhưng cũng có trọng tài họ cũng sẽ thổi vì tình huống rất nhạy cảm và họ có quyền nhận định.

Trọng tài có góc quan sát, đã quyết định theo luật và làm đúng. Còn đôi khi có những người cứ an toàn, tay bung lên là bắt. Tôi cho rằng trọng tài đã xử lý thông minh và dũng cảm trong tình huống đó. Họ phải xác định rất nhanh xem tình huống có phải cố tình cản bóng hay chỉ vô tình thôi.


Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 7.

2 tình huống gây tranh cãi trong hiệp 1 trận đấu

Những tình huống đưa tay cản đường chuyền, sút bóng thì sẽ bị bắt, nhưng nếu vô tình thì phải xem xét kỹ. Trong luật ghi rõ "dùng tay chơi bóng", tiếng anh là handle the ball, handball tức là phải có điều khiển, có tác động, chứ không dùng từ touch (chạm), tức là không phải cứ chạm là bắt".

Rõ ràng, hai tình huống không thổi penalty của trọng tài Trần Văn Trọng sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian tới và ban trọng tài có lẽ cũng cần đưa ra quan điểm của mình về quyết định của cấp dưới để giải đáp thắc mắc của dư luận.

Điều 12 Luật bóng đá của Ủy ban bóng đá quốc tế (IFAB) quy định: "Cầu thủ được coi là có hành vi dùng tay chơi bóng khi anh ta có ý thức dịch chuyển cánh tay hướng đến trái bóng (trái với việc bóng tìm đến tay). Nếu cầu thủ vô tình để bóng chạm vào tay thì sẽ không bị phạt thẻ còn cố ý trong tình huống nguy hiểm thì mức phạt sẽ càng nặng".

Luật thổi phạt đền khi cầu thủ để bóng chạm tay trong vòng cấm được Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) cập nhật và điều chỉnh liên tục. Lần cập nhật gần đây nhất vào đầu năm 2020 cũng giảm nhẹ mức độ quy định tình huống được coi là phạm lỗi chơi bóng bằng tay như sau: "Nếu sau khi vô tình để bóng chạm tay, bóng di chuyển một khoảng cách nhất định hoặc có một số đường chuyền trước khi ghi bàn hoặc có cơ hội ghi bàn thì cầu thủ không bị tính là phạm lỗi chơi bóng bằng tay".

HIGHLIGHTS: CLB TP Hồ Chí Minh 0-3 CLB Hà Nội (Vòng 11 LS V.League 1-2020)

Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 10.
Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội - Ảnh 11.