U22 Việt Nam phải "chống chọi" với sân cỏ nhân tạo tại giải U22 Đông Nam Á như thế nào?

H.TCập nhật 17:26 ngày 20/02/2019

Mặt cỏ nhân tạo tại Campuchia được so sánh với ... ruộng bậc thang

VTV.vn - Mặt cỏ nhân tạo tại Campuchia ảnh hưởng rất lớn tới lối chơi của U22 Việt Nam và có thể gây chấn thương cho các cầu thủ.

Tại giải U22 Đông Nam Á 2019, các trận đấu đều diễn ra trên mặt cỏ nhân tạo tại sân vận động quốc gia Campuchia. Điều này đã gây ra khó khăn không chỉ đối với ĐT U22 Việt Nam mà còn cả các đội bóng khác vốn thường quen thi đấu trên mặt cỏ tự nhiên.

Khán giả theo dõi các trận đấu trên sóng truyền hình có thể thấy các cầu thủ có không ít các pha xử lý bước một, chuyền bóng hay dứt điểm không như ý, ảnh hưởng tới lối chơi ban bật, phối hợp ngắn của ĐT U22 Việt Nam. Lý do là bởi, mặt cỏ nhân tạo có các hạt cao su khiến bóng lăn trên sân trở nên lập bập. Bên cạnh đó, việc di chuyển trên mặt sân này dễ bị lún và trơn, khiến các cầu thủ tốn nhiều thể lực và đối mặt với nguy cơ chấn thương lớn hơn. Nhìn mặt sân tại sân vận động quốc gia Campuchia, nhiều người hâm mộ còn so sánh với ... ruộng bậc thang.

U22 Việt Nam phải chống chọi với sân cỏ nhân tạo tại giải U22 Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 1.

Các hạt cao su bắn lên cao sau từng bước chạy của các cầu thủ

Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực ở Phnom Penh (Campuchia) - thường xuyên ở mức 32-33 độ C - cũng khiến không khí trên sân oi bức hơn, ảnh hưởng từng bước chạy của các cầu thủ.

Chia sẻ về những khó khăn khi thi đấu ở mặt sân nhân tạo trên trang chủ VFF, tiền vệ Phan Thanh Hậu cho biết: "Sân nhân tạo với chiều dài cỏ thấp chứ không cao và rải nhiều cao su như ở sân quốc gia Campuchia ảnh hưởng nhiều đến những đường chuyền của cầu thủ. Vì bóng sẽ lập bập dẫn đến việc khống chế gặp khó khăn. Nếu lòng chân không đá chuẩn thì khó chuyền chuẩn xác".

U22 Việt Nam phải chống chọi với sân cỏ nhân tạo tại giải U22 Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 2.

Tiền vệ Phan Thanh Hậu bị rát ngón chân vì mặt cỏ nhân tạo

"Điều đó ảnh hưởng đến lối chơi sử dụng nhiều đường chuyền ngắn như U22 Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng bóng nảy trên cỏ nhân tạo thì sút sẽ mạnh, dễ hơn nhưng không phải. Các cầu thủ buộc phải dùng lực ở chân trụ nhiều hơn và sẽ tốn sức hơn. Thêm vào đó, mặt sân nhân tạo trơn hơn dễ xảy ra trường hợp có thể lật sơ mi cổ chân hoặc ảnh hưởng đến gối. Vì vậy mà một số cầu thủ hay bó chặt cổ chân và đầu gối là vì vậy. Cá nhân tôi thì còn bị rát ở các ngón chân. Vì vậy trước trận đấu tôi thường thoa thêm một lớp phô mai hoặc sau trận còn cần phải chườm đá để đỡ đau" - Phan Thanh Hậu nói về chấn thương của anh sau trận đấu với U22 Philippines.

Dù gặp nhiều khó khăn trên mặt sân cỏ nhân tạo, ban huấn luyện vẫn khẳng định toàn đội bóng sẽ cố gắng khắc phục và quyết tâm cho các trận đấu tới.

HLV Nguyễn Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh: “Đây là khó khăn chung của tất cả, không chỉ của riêng U22 Việt Nam. Chúng ta cần nỗ lực vượt qua điều đó để giành được chiến thắng, thỏa mãn niềm tin nơi người hâm mộ dành cho mình”.

Hiện tại, sau chiến thắng 4-0 trước Timor Leste, U22 Việt Nam chính thức vượt qua vòng bảng và tạm giữ ngôi đầu bảng A nhờ có hiệu số bàn thắng bại tốt hơn dù bằng điểm số với U22 Thái Lan. Ở lượt trận cuối diễn ra vào ngày 21/2, U22 Việt Nam sẽ so tài với U22 Thái Lan để phân định ngôi nhất nhì. Đây là trận đấu mà thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn chỉ cần hòa là sẽ giành ngôi đầu bảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!