Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam

Trường Hải | VTV TimesCập nhật 06:00 ngày 12/04/2024

VTV.vn - Để xây dựng thành công hình mẫu lối chơi của ĐTVN, những DNA độc đáo và đặc sắc của bóng đá Việt Nam được tổng hợp và cần được phát triển đồng nhất tại tất cả các tuyến.

Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử bóng đá Việt Nam, một nét nổi bật trong những thời kỳ bóng đá Việt Nam đạt được những thành công, thành tích vang dội là khi ĐT Việt Nam (ĐTVN) áp dụng hiệu quả nghệ thuật "Buộc đối thủ phải chơi theo cách mà ĐTVN lựa chọn". Trên thực tế, đâu đó dưới mỗi thời kỳ HLV trưởng đội tuyển quốc gia và các cấp độ nhỏ tuổi hơn như U23, U19, U17 một số đặc điểm nổi bật của nghệ thuật bóng đá độc đáo và đặc sắc của Việt Nam đã được bộc lộ qua nhiều đời HLV nội hay ngoại khác nhau.

Lối chơi dựa trên thể lực sung mãn, bền bỉ, không ngại va chạm

Một trong những điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Việt Nam là thể lực. Ngay từ cấp độ Đông Nam Á, ĐTVN gặp rất nhiều khó khăn trước những đối thủ có thể lực sung mãn như Thái Lan, Malaysia và mới đây nhất là Indonesia. Ở cấp độ châu lục, ví dụ gần đây nhất là ở Asian Cup 2023, điểm yếu thể lực cũng liên tục khiến ĐTVN gặp phải những bàn thua ở nửa cuối hiệp 2 hay những phút bù giờ của trận đấu. 

Trong một chia sẻ gần đây của một số cổ động viên Indonesia với thời báo VTV Times, họ cũng khẳng định điểm yếu lớn nhất của ĐTVN là thể lực, điều này thể hiện rõ nét trong những trận đấu mà ĐTVN đối đầu với những đối thủ mạnh ở châu Á, chưa nói đến các đối thủ ở World Cup. Những thành công ở tuyến trẻ của HLV Hoàng Anh Tuấn ở cấp độ Đông Nam Á và châu lục đều là do vị HLV này chú trọng phát huy tối đa thể lực bền bỉ, không ngại va chạm của các cầu thủ.

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Các cầu thủ ĐTVN dưới thời HLV Nhật Bản Miura từng có thể lực rất sung mãn và lối chơi quyết liệt. (Ảnh: Ngọc Dung)

Phòng ngự có tổ chức nhằm phân tán, chia cắt hiệu quả đội hình của đối phương

Thay bằng việc chỉ cố gắng áp đặt lối chơi lên đối thủ có thể hình, thể lực, trình độ chuyên môn cao hơn, ĐTVN có thể song song chú trọng tập trung phát triển lối chơi phòng ngự tập thể chủ động theo nhóm nhỏ vây ráp, có sự phối hợp chặt chẽ từ tuyến hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo hòng phân tán và chia cắt đội hình của đối thủ. Việc này sẽ góp phần giảm sức ép lên hàng thủ khi đối phương muốn dùng số đông với thể lực và thể hình vượt trội, dâng cao chơi pressing hay trước những đối thủ chơi rình rập, chờ đợi thời cơ chơi phòng ngự phản công.

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

HLV Hoàng Anh Tuấn rất giỏi trong việc sắp xếp hệ thống phòng ngự tập thể chia cắt các tuyến đội hình của đối phương. Các cầu thủ trẻ dưới thời của HLV Hoàng Anh Tuấn có thể hình nhỏ bé nhưng từng dự World Cup bóng đá trẻ và hiện đang là đương kim vô địch U23 Đông Nam Á. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Từng bước giành quyền chủ động thế trận

Việc giành quyền chủ động áp đặt lối chơi lên đối thủ, buộc họ phải chơi theo ý đồ của mình tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi các cầu thủ phải chơi với trái tim nóng nhưng với cái đầu lạnh. Để giành quyền chủ động trước đối thủ, sự lì lợm, kiên nhẫn, bền bỉ là yếu tố bắt buộc phải có. 

Thay bằng áp dụng lối đá áp sát, tấn công tổng lực, gây sức ép lên đối phương trong suốt cả trận đấu hay là khi phải chơi co cụm với số đông ở phần sân nhà để chờ đợi thời cơ thì tư duy chơi bóng điềm tĩnh, bản lĩnh, là những tố chất cần thiết của các cầu thủ Việt Nam cần phải được rèn rũa và phát huy.

Thay bằng nôn nóng, vội vàng dâng lên tấn công hòng áp đặt thế trận, hay trong trường hợp khi rơi vào tình thế bất lợi, các cầu thủ Việt Nam đòi hỏi phải làm chủ được tâm lý tốt và bình tĩnh từng bước phối hợp nhuần nhuyễn triển khai bóng lên tuyến trên thay bằng nôn nóng nhồi những đường bóng dài lên cho các tiền đạo cắm đang bị vây ráp bởi số đông hàng phòng ngự đối phương hay ở vị trí không thuận lợi. HLV Park Hang Seo đã thể hiện năng lực vượt trội khi xây dựng thành công lối đá của các ĐTVN dưới triều đại của mình thông qua việc khuyến khích các cầu thủ bình tĩnh từng bước giành lại thế trận khi gặp phải những tình huống bất lợi trên sân về mặt thế trận hay tỷ số trước các đối thủ mạnh.

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Nhiều lần rơi vào tình huống bất lợi, ĐTVN dưới thời HLV Park Hang Seo chơi bình tĩnh, tự tin, kiên nhẫn dần lấy lại thế trận từ những tình huống tranh chấp tay đôi hay tranh chấp theo khu vực. (Ảnh Đ.Đ)

Nhiều phương án tấn công đa dạng

Tùy thuộc vào sức mạnh của đối thủ và tình thế cụ thể, các đội tuyển bóng đá Việt Nam cần xây dựng bản sắc riêng thông qua nhiều miếng đánh tấn công đa dạng. Khi cần thiết có thể phối hợp ban bật nhỏ triển khai tấn công từ phần sân nhà, hay tận dụng khả năng tì đè của tiền đạo cắm, từ những khoảnh khắc tỏa sáng từ những pha bóng lắt léo đột biến của các ngôi sao trên hàng công, hay khi cần có thể dâng cao đội hình có mặt số đông bên phần sân đối thủ để gây áp lực hòng kiếm tìm bàn thắng. 

Việc các cầu thủ được huấn luyện, đào tạo từ cấp độ trẻ hay đá ở cấp độ câu lạc bộ với nhiều phương án tấn công đa dạng cũng sẽ giúp họ thích nghi nhanh chóng khi lên chơi ở các tuyến tuyển quốc gia. Các HLV trưởng đội tuyển quốc gia thay bằng việc phải đi hướng dẫn, đào tạo, uốn nắn lại tư duy chơi bóng căn bản của các cầu thủ trong thời gian tập trung lên tuyển ngắn ngủi, có thể chủ động dành thời gian và công sức mài dũa, chuẩn bị nhiều phương án tấn công, tập trung vào ý tưởng đấu pháp trước các đối thủ sắp tới.

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.

Quang Hải ghi bàn từ một khoảnh khắc ngôi sao vào lưới của ông lớn Saudi Arabia khi ĐTVN đang bế tắc trước hàng phòng ngự đẳng cấp của đối phương. (Ảnh: VFF)

Vũ khí sắc bén định đoạt trận đấu từ những tình huống cố định

Trong bóng đá hiện đại, không phải cứ đội nào cầm bóng nhiều, đá hay hơn sẽ nghiễm nhiên là đội chiến thắng. Khi trận đấu rơi vào thế bế tắc, những miếng đánh sát thương từ tình huống bóng cố định góp phần thay đổi cuộc diện trận đấu và mang lại nỗi sợ hãi cho hàng phòng ngự của đối phương. Trong những trận đối đầu với Indonesia gần đây, hàng thủ đội tuyển Việt Nam đã nhiều lần phải nhận những bàn thua cay đắng từ những tình huống bóng cố định từ các quả phạt góc hay ném biên trong một thế trận mà đối thủ không cho thấy sự vượt trội. 

Ngược lại, điểm sáng hiếm hoi trong lối chơi của ĐTVN dưới thời HLV Philippe Troussier là việc tận dụng tối đa cơ hội ghi bàn từ những tình huống cố định trước các đối thủ sừng sỏ tại Asian Cup như Nhật Bản và Irag. Tương tự, dưới thời HLV Park Hang Seo, cũng đã rất nhiều lần ĐTVN tung ra những nhát kiếm chí mạng để thay đổi tỷ số hay kết liễu đối thủ từ những tình huống cố định, điển hình như pha làm bàn cầu vồng khuyết của Quang Hải tại Thường Châu hay nhiều trận đấu ĐTVN giải quyết đối thủ thông qua loạt đá luân lưu cân não.

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 5.

Việt Anh ghi bàn vào lưới Irag gỡ hòa cho ĐTVN tại Asian Cup 2023 sau một tình huống cố định. (Ảnh: Quốc Anh)

"Tinh thần Việt Nam"

Huấn luyện viên Henrique Calisto và Park Hang Seo thành công nhất trong số các thầy ngoại đến Việt Nam. Bí kíp chung để chiến thắng chính là việc khai thác "Tinh thần Việt Nam". Tại AFF Cup 2008, sau trận ra quân thua Thái Lan 0-2, ông Calisto đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với các cầu thủ và vực dậy tinh thần chiến đấu cho các học trò chính từ "Tinh thần Việt Nam". Ông nói với các cầu thủ rằng: "Các anh phải biết rằng thế giới luôn nhìn nhận Việt Nam là dân tộc anh hùng. Nếu thi đấu như vậy, các anh sẽ làm xấu hổ cả dân tộc mình, tổ tiên mình...". Sau đó, tuyển Việt Nam cũng đã đi một lèo đến chức vô địch nhờ nút mở của tâm lý được thấm nhuần từ "Phù thuỷ" Calisto.

Khi được hỏi, thế nào là "Tinh thần Park Hang-seo?", ông Park đã nói rằng: "Đây không phải tinh thần Park Hang-seo mà là tinh thần Việt Nam. Năm 2018, chúng tôi thi đấu ở giải U23 Châu Á tại Trung Quốc, mỗi khi gặp lãnh đạo thì thường họ đặt 2 câu hỏi: Làm sao trong 3 tháng tôi có thể thay đổi hoàn toàn một đội bóng như vậy? Tinh thần Việt Nam bao giờ mới bùng nổ? Tôi đã suy nghĩ nhiều, khi đưa đội đi thi đấu và tôi đã hỏi các cầu thủ là lãnh đạo Việt Nam cứ nói đến tinh thần Việt Nam, các bạn hãy nói cho tôi đó là cái gì. Các cầu thủ nói nhiều nhưng tôi tóm gọn có 4 ý chính: Sự đoàn kết, tính tự trọng, sự thông minh nhanh nhẹn tinh thần bất khuất, tuyệt đối không từ bỏ. Tôi luôn nhấn mạnh 4 yếu tố này cho các cầu thủ khi thi đấu và bổ sung thêm một yếu tố nữa là nhận thức về mục tiêu rất mãnh liệt. Tôi là HLV nước ngoài nên thấy cầu thủ Việt Nam khi đã đề ra mục tiêu gì là họ tập trung, không ngừng suy nghĩ và quyết tâm mãnh liệt để làm được nó. 5 yếu tố đó theo tôi chính là tinh thần Việt Nam và để tạo thành một đội tuyển hoàn thiện".

Xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam (phần 2): DNA của bóng đá Việt Nam - Ảnh 6.

ĐTVN được đánh giá là có điểm yếu về thể lực nhưng luôn có tinh thần chiến đấu và tinh thần dân tộc rất cao. (Ảnh: Hoàng Linh)

Trên đây là một số gợi ý mang tính chất tham khảo trong quá trình định hình và xây dựng một lối chơi cho bóng đá Việt Nam. Thay bằng việc định hướng một lối đá theo triết lý bóng đá tấn công hay phòng ngự cụ thể nào đó khiến bóng đá Việt Nam phải bị động trong chương trình huấn luyện, đào tạo từ tuyến trẻ và bị động khi phải tự giới hạn mình trong việc lựa chọn những HLV trưởng phù hợp với triết lý bóng đá tấn công hay phòng ngự, nghệ thuật bóng đá Việt Nam cần xác định những đặc điểm độc đáo và đặc sắc riêng để thích nghi trong môi trường bóng đá thế giới hiện đại. 

Thông qua định hướng đó, bóng đá Việt Nam có thể chủ động tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển các tuyến trẻ có những tố chất phù hợp với cơ địa của người Việt Nam, cải thiện các nhóm kỹ năng bóng đá hiện đại bắt kịp trình độ bóng đá thế giới và áp dụng linh hoạt nghệ thuật bóng đá mang đặc thù Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh ở nhiều sân chơi khác nhau ở cấp độ châu lục hay thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!