Khi mối quan hệ giữa Arsene Wenger và ông Kroenke còn tốt đẹp, Arsenal khó lòng có thể phát triển.
Để tìm kiếm những mảnh ghép làm nên phong độ tệ hại thời gian qua của Arsenal, chúng ta hãy cùng lên một chuyến tàu tới với những câu chuyện bên lề sân cỏ. Và điểm khởi đầu chính là sân Emirates.
Sau khi bị đá văng khỏi cúp FA và chính thức trở thành cựu vương, thủ quân Arsenal - Per Mertesacker bày tỏ sự bực dọc: "Giống như là chúng tôi cứ chơi bóng, đá qua đá lại cho tới khi đối thủ ghi bàn". Trong khi đó, Heurelho Gomez, thủ môn của Watford, người đã chứng kiến những gì xảy ra suốt 90 phút trên sân, đưa ra lời nhận định "xát muối" đội chủ sân Emirates: "Arsenal đã cho chúng tôi quá nhiều khoảng trống". 2 nhận định kể trên có thể xem là những lời chỉ trích cho sự yếu kém của Arsenal và ngay lúc này, HLV Arsene Wenger hẳn không dễ để tìm được câu trả lời.
Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình, đó là sân Villa Park. Những CĐV Tottenham tận dụng màn trình diễn kém cỏi của Aston Villa để móc máy đối thủ không đội trời chung ở khu Bắc London. "Lerner hãy đến Arsenal" là khẩu hiệu được những người hâm mộ Spurs hô vang. Với họ, không gì hơn là được nhìn thấy Arsenal lụi bại giống như những gì mà vị tỷ phú người Mỹ này đã làm với Aston Villa. Tuy nhiên, có 1 điểm đúng ở đây.
Arsenal cũng thường phải chịu sự thiếu quan tâm của ông chủ Stan Kroenke. Sự thoái troài không ở gần với Arsenal ngay lúc này như với trường hợp của Aston Villa, tuy nhiên, sự thiếu tham gia vào các hoạt động của CLB cũng như sự thiếu tham vọng của cả hai ông chủ nói trên đã tạo nên khoảng cách giữa họ với chính đội bóng của mình. Và tất lẽ, sự thiếu chỉ đạo ở cấp cao nhất khiến cho CLB khó cải thiện được tình hình khi ở vào những tình thế khó khăn.
Điểm đến thứ ba là hội nghị các nhà phân tích thể thao - MIT Sloane Sports Analytics Conference, Boston, Mỹ. Chiều thứ 6 tuần trước, ông Kroenke tham gia vào Hội nghị với phần thuyết trình có cái tên mỹ miều Sự tiến hóa của việc sở hữu. Nội dung xoay quanh việc hậu trường, các ông chủ, các nhân viên cấp cao... ra quyết định quan trọng có ảnh hưởng ra sao để phát triển đội bóng.
Kroenke không thường nói trước công chúng vì thế, những ý kiến của ông cho thấy góc nhìn của bản thân về thương hiệu Arsenal trong bộ sưu tập các thương hiệu thể thao của bản thân. Kroenke thừa nhận "sự suy nghĩ thức thời" ở ban lãnh đạo CLB và rằng "họ đã trở thành những doanh nhân thực thụ. Tôi phải thực tế. Nếu bạn muốn giành những danh hiệu, bạn sẽ không bao giờ được tham gia vào tổ chức này". Một tuyên bố không thể thẳng thắn hơn dành cho đội bóng từng dẫn đầu Premier League 2015/16 trong tháng 1 và giờ đang dần tụt hậu trong cuộc đua vô địch.
Thứ mà người hâm mộ CLB mong muốn là một Arsenal biết giành danh hiệu chứ không phải chỉ biết kiếm tiền...
Chưa hết, một phát biểu nữa của Kroenke cũng cho thấy mức độ gắn bó của những người đổ tiền vào các CLB bóng đá ở châu Âu. "Ở những CLB đó, mọi chuyện kiểu như: Ồ, chúng ta đã có những gã lắm tiền từ Trung Đông, giá dầu cao ngất ngưởng và họ có thể tiêu xài mua sắm bất cứ thứ gì mà họ muốn. Vấn đề mà tôi nhận thấy rằng những người muốn đầu tư có thể mất hứng thú. Điều gì sẽ xảy ra nếu những gia đình lắm tiền của ở Trung Đông muốn trở về quê hương?".
Có một sự logic nhất định trong lời nói của ông Kroenke. Vị tỷ phú người Mỹ lấy ví dụ về trường hợp của các ông chủ Qatar với CLB Malaga - đội bóng giàu "xổi" cách đây mấy mùa rồi lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Và ông hài lòng vì trong trường hợp ấy, Arsenal đã thu được lợi lộc. Đội bóng mua được Santi Cazorla và Nacho Monreal khi Malaga bán tống bán tháo các ngôi sao. "Arsenal đã mua được hai cầu thủ chất lượng từ đó", Kroenke nói.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi những ông chủ Trung Đông không mất sự hứng thú với bóng đá? Man City mới chỉ định Pep Guardiola làm HLV trưởng từ mùa giải tới và mùa hè 2015 họ cũng vừa chi rất đậm để có những ngôi sao hứa hẹn như Kevin De Bruyne và Raheem Sterling. Hay như PSG, họ vừa giành ngôi vô địch Ligue 1 với thời gian sớm kỷ lục và đã giành quyền vào tứ kết Champions League. Arsenal, hiển nhiên mong muốn được như Man City hay PSG chứ không phải ví dụ của Malaga.
Phát biểu mới nhất của Kroenke chẳng khác nào một cái tát cho tham vọng của Arsenal. Nó chẳng khác nào một lãnh chúa trốn chạy khi đường biên giới bị xâm phạm. Kroenke không muốn bận tay, không muốn tham gia vào công việc ngày qua ngày theo dõi đội bóng của mình.
Lẽ thường, mỗi ông chủ lại có sự lựa chọn cho riêng mình về việc sẽ dành bao nhiêu năng lượng cũng như tiền bạc để đầu tư cho đội bóng. Trong trường hợp của Arsenal, điều đó cũng khiến người ta có lý do để đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Kroenke và HLV Arsene Wenger.
Cả hai đã làm việc với nhau trong khoảng thời gian dài. Ông chủ người Mỹ rất ưa thích và kính trọng vị chiến lược gia người Pháp. Ở một số khía cạnh, HLV Arsene Wenger hẳn là người hoàn hảo dành cho CLB này và là hình mẫu rất đỗi lý tưởng khi mục tiêu của ông chủ CLB là làm kinh tế. Thêm vào đó, Wenger giống như một "cột thu lôi" hứng chịu mọi chỉ trích từ người hâm mộ khi vấn đề xảy đến. Vì thế, việc một tấm biểu ngữ trên sân có nội dung tẩy chay các ông chủ là điều hiếm thấy ở Emirates. Họ chỉ phải xuất hiện trong những buổi gặp mặt thường niên và lắng nghe người hâm mộ chỉ trích một ngày trong năm. Trong khi đó, HLV Arsene Wenger thường xuyên phải hứng chịu "gạch đá" từ CĐV.
HLV biết ơn sự ủng hộ vô điều kiện từ các ông chủ. Các ông chủ cảm ơn một HLV hiểu về kinh tế và làm những công việc phù hợp với triết lý "kinh doanh thực thụ của CLB". Có qua có lại!