Thay đổi thể thức V.League thế nào để tránh tiêu cực cuối mùa?

Ấn tượng Thể thao 7 ngàyCập nhật 16:38 ngày 28/02/2016

VTV.vn - Nếu áp dụng thể thức có vòng chung kết như tại Hàn Quốc, V.League có thể sẽ tăng được tính hấp dẫn và quyết liệt trong những vòng đấu cuối.

Nếu động lực thi đấu không còn là một nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng giai đoan cuối của V.League thì liệu có một thể thức nào hợp lý hơn triệt tiêu hoặc thu hẹp nhóm không động lực trên bảng xếp hạng. Một mô hình giải đấu có vòng chung kết xuôi và ngược theo kiểu của bóng chuyền đã được áp dụng tại Hàn Quốc là một gợi ý đáng để xem xét.

Giải vô địch quốc gia Hàn Quốc có 12 đội. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn với nhau 3 lượt và sau đó 6 đội xếp phía trên bảng xếp hạng đá vòng tròn với nhau một lượt nữa để tìm ra đội vô địch và 6 đội phía dưới đã vòng tròn tìm ra đội xuống hạng. Theo cách này, mỗi mùa giải một đội được chơi tới 38 trận. Đội đứng thứ nhất sau 3 lượt đấu vòng tròn chưa chắc đã vô địch, trong khi đội đứng cuối bảng lại không phải là đội xuống hạng.


K.League áp dụng thể thức chia đôi bảng xếp hạng để tìm ra nhà vô địch và đội xuống hạng

K.League áp dụng thể thức chia đôi bảng xếp hạng để tìm ra nhà vô địch và đội xuống hạng

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF hy vọng Việt Nam sẽ tìm ra thể thức thi đấu phù hợp để tăng tính cạnh tranh của V.League: “Thể thức thi đấu quyết định đến sự hấp dẫn, tính chất quyết liệt của giải đấu. Ở giải của chúng ta năm vừa rồi như dư luận đã đưa tin, một vài vòng đấu cuối, các đội đã đủ điểm trụ hạng nên thi đấu không tích cực, cầu thủ thì đá thiếu chuyên nghiệp. Điều đó cần được khắc phục năm 2016".


Ông Trần Quốc Tuấn trong chuyến làm việc tại Hàn Quốc tháng 11/2015

Ông Trần Quốc Tuấn trong chuyến làm việc tại Hàn Quốc tháng 11/2015

Thể thức này cũng giúp ích lớn cho các cầu thủ đặc biệt là cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội ra sân cọ sát tăng kinh nghiệm. Tiền vệ Đỗ Duy Mạnh của CLB Hà Nội T&T chia sẻ: “Với cầu thủ thì đá nhiều trận sẽ tăng thêm kinh nghiệm. Đó là một điều tốt mà cần học tập của nước ngoài”.

Ngoài ra, thi đấu nhiều trận đồng nghĩa với việc cầu thủ có cơ hội được nhận thưởng nhiều hơn. Ở V.League, trung bình một CLB thưởng mỗi trận thắng là 300 triệu, hòa hoặc thua cũng được thêm một khoản nhỏ. Vậy là, ngoài việc được duy trì phong độ, cầu thủ còn có cơ hội kiếm thêm thu nhập hàng tuần.

Nhiều lợi ích là thế nhưng tính khả thi của thể thức này khi áp dụng ở Việt Nam là điều phải bàn luận. Ở Hàn Quốc, các đội bóng càng chơi nhiều trận thì càng có thêm thu nhập từ tiền vé và bản quyền truyền hình, trong khi đó ở V.League vì ít nguồn thu nên nếu đá thêm vài trận, đội bóng lại tốn thêm tiền.

Không có một thể thức nào lý tưởng nào bảo đảm các đội bóng sẽ ra sân với tính thần cao thượng trong mọi trận đấu. Các giải Châu Âu cũng luôn đau đầu với nạn dàn xếp tỷ số. Mọi thứ đều là vô ích nếu như các đội bóng không nhận ra mục tiêu thì có thể hoàn thành chứ kỳ vọng của cổ động viên thì không bao giờ ngừng lại. Nếu tôn trọng khán giả, họ sẽ mang đến sân tình cảm và một thứ cũng rất quan trọng, đó là tiền.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.