Trước khi luận về điều này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng chuyện nóng nhất trên sân cỏ V-League tuần qua – Vụ loạn đả ở Lạch Tray, dù rằng có thể, nó sẽ chỉ là “muỗi” trong một rừng các vấn nạn.
Gỡ “mặt nạ” V-League
Nếu không có sự vụ Hoàng Vũ Samson nhả đòn và bị cầu thủ Hải Phòng quây ở Lạch Tray, trận đấu ở vòng 17 V-League cuối tuần qua giữa đội chủ nhà và ứng viên vô địch Hà Nội.T&T, giải đấu cao quốc gia sẽ không phải một phen dậy sóng. Và như thế, một bộ phận (trong đó có người của Hà Nội.T&T và thậm chí cả người của Ban tổ chức giải) có quyền kê cao gối, kèm chai bia lạnh, cho việc thưởng thức màn khai tiệc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2014.
Trong phạm vi bài báo này, chúng ta sẽ không bàn tới tính đúng sai của hành vi, cũng như việc Ban tổ chức đau đầu như thế nào trong việc ra các quyết định xử phạt, bởi cuộc chơi nào không có luật! Vấn đề cốt lõi ở đây là, liệu vụ loạn đả ở Lạch Tray chỉ là hiện tượng hay là bản chất của giải đấu vùng trũng mà bao năm qua, chúng ta vẫn tự hào đầy “AQ” rằng nó hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á? Tiểu tiết đôi khi vẫn quyết định cả tổng thể và không may là, V-League quá nhiều điều tiếng.
Sau cái chết của Molina (B.Bình Dương) vì các vấn đề liên quan đến bệnh trầm cảm và sử dụng ma tuý quá liều, cách đây vài năm, đồng nghiệp của Molina là Tshamala Kabanga, cầu thủ người Congo, đã tiết lộ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần rằng, anh biết rất nhiều cầu thủ (cả nội lẫn ngoại) đang chơi bóng ở Việt Nam, thường xuyên sử dụng chất kích thích, có người đã chuyển qua giai đoạn “chích”. Một thông tin có thể nói là gây sốc vào thời điểm 2010 khi V-League đang được giá.
“Nhiều cầu thủ đã nghiện nặng, trước khi đến Việt Nam, nhưng tai hại hơn, người ngoại quốc lại bị nhiễm chính thói hư tật xấu của đồng nghiệp bản địa. Sau mỗi trận đấu, họ lao vào các cuộc chơi không màng toan tính. Họ “bay” xuyên màn đêm ở các quán bar, khách sạn và tất nhiên, điều gì đến đã phải đến. Molina không phải trường hợp đầu tiên (trước anh là Musisi – PV) và dám chắc cũng chưa phải cuối cùng dính đến “cái chết trắng”, chân sút Tshmala Kabanga cho chúng tôi biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, gia đình của Molina ở Argentina, vốn có “huông” tự vẫn. “Anh trai và cả em của Molina đều mắc bệnh trầm cảm, để rồi tìm đến cái chết. Trước đó, cậu ấy cũng đã mất đi một người con. Quá khó khăn để Molina vượt qua được những cú sốc ấy, tại nơi đất khách quê người. Bất luận thế nào, tôi cũng cảm thấy rất tiếc cho sự ra đi của Molina”, đại diện của Molina, Frank Eijis chia sẻ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần.
Dài dòng như thế để thấy rằng, V-League không chỉ có mỗi chuyện cầu thủ đánh nhau. V-League còn có những cái chết thảm, có cả chuyện mua bán nhận hối lộ (đỉnh điểm là scandal trọng tài ở mùa giải 2005 – PV), bạo loạn trên các khán đài, những vụ mất tích không rõ nguyên nhân của rất nhiều các đội bóng, nạn đi đêm, nhường điểm xảy ra như cơm bữa và tất nhiên, không thể loại trừ một số trận đấu bị can thiệp bởi… nhà cái. Vv và vv.
Thành bại tại World Cup
Trở lại với đề tài đã, đang và sẽ được bàn tới nhiều trong thời gian này: World Cup và sân cỏ nội quốc nội. Theo lịch ấn định, V-League 2014 sẽ chỉ có một tuần nghỉ trong khoảng thời gian diễn ra ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, mùa Hè Brazil 2014, nhưng là để nhường cho các cặp đấu ở tứ kết Cúp QG 2014 (từ ngày 8 đến 10/6). Vòng quay các giải đấu quốc nội vẫn rất hối hả vì lý do gì? Phải chăng, kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, cuộc chơi (giữa các khán đài vắng) cứ tiếp tục có khi lại hay?!
Hẳn tất cả đều chưa quên câu phát biểu để đời của cựu chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ, đại ý rằng đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không, sau khi Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp đã phải rất đau đầu để giải quyết những sự cố như vỡ sân và đánh nhau ở chảo lửa Vinh, xe chở cổ động viên Hải Phòng đâm chết người khi đang trên đường tháo chạy… Suy ngược lại, V-League càng ít khán giả, hoá ra càng tốt?! Để trong bản tổng kết, người ta sẽ đặt bút phê giải đấu về đích an toàn?!
Trên thực tế, V-League sẽ không cô đơn trong khoảng thời gian này, khi người láng giềng Thái Lan cũng cho Thai – Premier League tiếp tục lăn bánh. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, những nền bóng đá hàng đầu châu lục khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…, dành hơn cả tháng nghỉ, để người hâm mộ có dịp sát cánh cùng ĐTQG nước họ tại Brazil. Chúng ta không có ĐTQG dự World Cup và chưa biết bao giờ giấc mơ trở thành hiện thực, vậy hà cớ gì không “dồn toa” các giải đấu trong nước?!
Đó chỉ là một nếp nghĩ, còn nguyên nhân sâu xa, phải là các vấn nạn liên quan đến những giải đấu lớn, mà bóng đá xứ sở đã không ít lần bị vạ lây. Cụ thể, trong khoảng thời gian V-League tạm ngưng để “né” World Cup hay Euro, lẽ ra cầu thủ cần phải được nghỉ ngơi, hồi phục và tích luỹ năng lượng cho giai đoạn nước rút sau đó, thì họ lại vùi đầu vào màn hình TV, máy vi tính, mà không phải để học hỏi như kỹ năng hay ngoại ngữ. Rất nhiều tỷ phú đã trắng tay, sau chỉ một đêm màn hình “đỏ rực”.
Nhiều ông chủ đội bóng phải đứng ra bảo lãnh cho cầu thủ trước sự bủa vây của chủ nợ. Một số đáng kể phải ra đường, bỏ xứ, thân tàn ma dại. Không ít người đóng phim mất tích… Những giấc mộng uyên ương cũng tan thành mây khói, sau các chuyến “du lịch” đến trời Âu. Điều đó kéo theo rất nhiều hệ luỵ và sự thật là, không hiếm các ứng viên vô địch bỗng dưng như “cá chọi cụp vây”, đứt thắng khi đang leo đèo, sau mỗi kỳ World Cup hay Euro. Ông chủ chán và bỏ cuộc chơi!
Đó là lý do mà ở đầu bài viết này, chúng tôi dung từ “đương đầu” với World Cup, bởi nếu đối đầu hay né tránh, chúng ta đều nắm chắc phần thua cả. Tất nhiên, cái giá phải trả cho mỗi cuộc chơi là không rẻ chút nào, với viễn cảnh các sân bóng V-League sẽ vắng như chùa bà đanh. Các câu chuyện về V-League, ngay cả vụ loạn đả như ở Lạch Tray, thậm chí không còn được nhắc đến ở cả quán café vỉa hè nữa, khi người ta còn bận vùi đầu ngủ với đẫy đà như no nê, bội thực World Cup.
B.Bình Dương vừa vấp ngã, Hà Nội.T&T xây chắc ngôi đầu bảng, nhưng ít nhiều, cuộc chơi vẫn đủ vui. Tất nhiên, chẳng ai biết được, chuyện gì sẽ diễn ra sau đó, với mùa Hè Brazil đầy cạm bẫy cùng trái bóng Brazuca.