Có nên hạn chế VĐV ĐT quốc gia tham dự giải VĐQG?

Hoàng Cường (Ban Thể Thao)Cập nhật 22:36 ngày 09/12/2017

VTV.vn - Có một thực tế trong nhiều năm trở lại đây, đó là các giải VĐQG trở thành sân chơi để các VĐV ĐT quốc gia gom huy chương và mang thành tích về cho đơn vị chủ quản.

Nguyễn Thị Ánh Viên, chẳng cần đạt phong độ cao nhất vẫn giành tới 16 HCV tại giải bơi VĐQG, một Tú Chinh chỉ cần dùng 70% sức cũng bỏ xa các đối thủ để giành cả 4 tấm HCV ở giải điền kinh VĐQG. Nhưng khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở môn taekwondo, các VĐV tuyến tỉnh hàng ngày phải tập bằng giáp thường, nhưng khi thi đấu ở giải VĐQG lại đánh bằng giáp điện tử, vốn đã quá quen với các VĐV đội tuyển.

"Các vđv đội tuyển được thi đấu cọ sát nhiều, lại quen với giáp điện tử, nên khi về thi đấu cho địa phương thì tất nhiên là sẽ mang về thành tích" - HLV Nguyễn Bích Thủy của đội Taekwondo An Giang cho biết

Hiện nay, số VĐV đội tuyển quốc gia khoảng gần 2 nghìn người, trong khi VĐV tuyến tỉnh là hơn 6 nghìn. Số lượng chênh lệch là vậy, nhưng hơn 90% số huy chương ở các giải VĐQG lại đều nằm ở bên các VĐV đội tuyển.

"Không chỉ có năm nay, mà 2 năm rồi, chúng tôi cũng đã xem xét, có nên cho VĐV đội tuyển tham dự giải VĐQG nữa hay không? Nếu có thì tham dự bao nhiêu nội dung" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết.

Giải pháp này đã vấp phải khá nhiều những ý kiến trái chiều.

" Mặc dù tiêu cực là các vđv khác khó có huy chương, nhưng nó lại tạo ra sự cọ sát và nâng cao chất lượng giải đấu" - HLV Nguyễn Bích Thủy của đội Taekwondo An Giang cho biết

Mỗi năm, nhà nước cấp khoảng gần 340 tỷ đồng để trả tiền công cho các vđv, hlv tuyến tỉnh và bản thân các địa phương cũng phải đầu tư thêm để phát triển thể thao đỉnh cao. Vì thế, nếu hạn chế hoặc cấm các VĐV đội tuyển tham dự giải VĐQG, sẽ xung đột với quyền lợi của các địa phương.

"Phải có một cái trao đổi, hội thảo với các địa phương và ngành. Bởi theo luật, chúng ta hoàn toàn không thể xử lý được việc này. Nhưng với thực trạng hiện nay, chúng ta cần phải tính toán với thành tích của các VĐV, nếu không sẽ khó có thể tạo động lực cho các vđv không phải là vđv ĐT quốc gia bởi chưa thi là họ biết đã thua xa rồi" - Ông Phấn cho biết thêm.

Cân bằng giữa lợi ích của địa phương với sự phát triển chung của thể thao quốc gia là một bài toán không hề dàng. Nên chăng cần có 1 giải pháp hợp lý giống như ý kiến của vị HLV Đặng Đình Hưng: "Nhiệm vụ số 1 của VĐV ĐT quốc gia là giành huy chương ở các giải đấu quốc tế, nhiệm vụ thứ 2 phải kết hợp hài hòa, các VĐV ĐT quốc gia không nằm trong hệ thống các giải quốc tế, thì có thể về thi đấu cho địa phương.