Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng

Đức Cường-Thứ tư, ngày 06/10/2021 18:53 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên trầm trọng hơn khi nhiều quốc gia chuẩn bị bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm.

Thế giới đang chứng kiến một hiện tượng chưa từng có kể từ khi sự phát triển của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã kết nối các châu lục và quốc gia ở cách xa nhau thành một hệ thống mang tính liên kết cao độ. Đó là hàng hóa không thể lưu thông từ các trung tâm sản xuất sang các trung tâm tiêu thụ, và ở ngay trong nội bộ của các quốc gia, hàng hóa cũng không thể lưu thông từ vùng này sang vùng khác.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ngày nay mang tính toàn diện và toàn cầu. Bắt đầu từ việc các nhà máy không thể cung cấp đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu hoặc lao động, cho đến việc hàng hóa đã được sản xuất ra không thể vận chuyển kịp thời và đầy đủ đến nhà phân phối do thiếu phương tiện vận tải hoặc do các biện pháp phong tỏa. Lý do tương tự ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa từ nhà phân phối đến người tiêu dùng. Và cuối cùng là giá nhiên liệu quá cao đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện năng dành cho sản xuất.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại Mỹ

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng - Ảnh 1.

Cảng Los Angeles. Nguồn: Daily Breeze

Hãy lấy ví dụ của nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn phong tỏa diện rộng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại với tốc độ đáng ngạc nhiên. Chính phủ Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để phục hồi kinh tế, trong đó một phần không nhỏ số tiền được chuyển thẳng đến tài khoản ngân hàng của người dân, kích thích làn sóng tiêu dùng mới. Theo ông Flavio Romero Macau, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại trường đại học Edith Cowan, Australia, đây là nguồn cơn cho đà phục hồi chóng mặt ở Mỹ cũng như nhiều nước phát triển khác.

"Người tiêu dùng trên thế giới đang mua sắm điên cuồng vì họ nhận được rất nhiều tiền hỗ trợ từ các gói kích cầu của chính phủ. Họ mua mọi thứ từ các bộ chơi game PlayStation, cho đến máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị tập gym."

Sự gia tăng quá nhanh của nhu cầu tiêu dùng đã tạo ra khoảng cách không dễ lấp đầy với năng lực cung cấp. Nước Mỹ đang chứng kiến sự thiếu hụt khó tin với các loại hàng hóa phổ biến. Nhiều phòng thí nghiệm y tế báo cáo thiếu ống hút và đĩa cấy vi khuẩn, các nhà hàng thiếu thức ăn và các nhà sản xuất ô tô, đồ điện tử phải ngừng sản xuất vì không có đủ chip bán dẫn. Thậm chí, một vài cửa hàng bán đồ ăn nhanh thương hiệu Burger King ở bang Florida còn buộc phải đóng cửa vì không có khoai tây chiên để bán cho khách hàng.

Sự thiếu hụt hàng hóa đang len vào mọi ngóc ngách của nước Mỹ. Nguyên nhân trước hết vì nước Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu, cụ thể là từ châu Á, trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ trong nước. Hàng năm, nước Mỹ nhập khẩu hơn 1 nghìn tỷ USD hàng hóa từ Châu Á , danh mục mua hàng bao phủ mọi khía cạnh đời sống, từ đồ chơi, quần áo, đồ điện tử, nội thất, thiết bị y tế, chất bán dẫn .... Tuyến đường vận tải biển từ châu Á sang Mỹ là dòng chảy thương mại nhộn nhịp nhất và quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế thế giới ngày nay, và nó đang bị tổn thương. Chi phí vận chuyển một container tiêu chuẩn có chiều dài 40 feet, hay 12 mét, từ Trung Quốc sang bờ Tây nước Mỹ đã đạt mức cao chưa từng thấy là 20.586 USD trong tháng 9, cao gấp bốn lần so với chi phí cách đây 8 tháng. Khi chi phí tăng lên quá cao, sẽ có nhiều nhà phân phối phải bỏ cuộc, dẫn đến nhiều mặt hàng không còn hiện diện trên thị trường.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng - Ảnh 2.

Vận tải đường sắt ở Mỹ. Nguồn ảnh: American-rail.com

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhìn sâu vào cấu trúc kinh tế của Mỹ. Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ tình trạng thiếu hụt nhân lực tạm thời, một phần vì biên giới vẫn đang bị đóng cửa, nhưng phần khác vì các chính sách cắt giảm lao động đã kéo dài trong rất nhiều năm của ngành vận tải nước này. Chẳng hạn ngành đường sắt Mỹ. Kể từ thập niện 1980, xu hướng sáp nhập đã khiến số lượng các công ty vận tải đường sắt giảm từ 33 xuống 7, các công ty đã được hợp nhất tạo thành những công ty lớn hơn, và các công ty này mạnh tay cắt giảm 33% số lao động trong ngành đường sắt để tiết kiệm chi phí. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng đột ngột, các công ty đường sắt không có đủ lao động để đáp ứng nhu cầu cao bất thường, dẫn đến việc buộc phải từ chối hàng loạt tuyến đường vận chuyển đang bị quá tải.

Điều tương tự xảy ra trong ngành vận tải đường bộ. Vào thập niên 1970, Mỹ bãi bỏ quy định kiểm soát giá cước vận tải, các công ty được toàn quyền giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Để cạnh tranh với nhau, các công ty vận tải chọn giải pháp đơn giản nhất là giảm lương tài xế xe tải khiến ngành này trở nên kém hấp dẫn với người lao động. Khi nhu cầu vận tải tăng vọt như hiện nay, các công ty đơn giản là không thể tìm được đủ tài xế để vận chuyển số hàng hóa đang dồn đống lại từ vùng này sang vùng khác của nước Mỹ.

Các vấn đề của Mỹ cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Anh nơi tình trạng thiếu tài xế xe tải đã trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính quốc gia. Tình trạng này càng thêm phức tạp khi Mỹ và châu Âu sắp bước vào dịp Giáng Sinh là mùa mua sắm lớn nhất trong năm, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Cuộc khủng hoảng năng lượng làm vấn đề thêm trầm trọng

Thiếu nhân lực không phải là vấn đề duy nhất. Vấn đề đang nổi lên hiện nay còn là thiếu hụt năng lượng. Các nền kinh tế phục hồi gần như đồng thời đã cạnh tranh nhau để mua than đá, khí đốt, dầu thô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung không tăng tương ứng, dẫn đến giá nhiên liệu tăng vọt. Giá dầu thô Brent đã đạt mức 82,47 USD/thùng, và nhiều khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa, lên trên 100 USD/thùng khi mùa đông đến. Giá than đá và khí đốt cũng đều đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng - Ảnh 3.

Nhu cầu dầu trên thế giới đang gia tăng. Nguồn ảnh: Apa

Tại Trung Quốc, giá than đá cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã buộc nhiều nhà máy nhiệt điện than phải đóng cửa, kéo theo nhiều nhà máy cũng phải tạm ngừng hoạt động, trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp quan trọng cho Apple, Tesla, các công ty sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Tình trạng này được xem có thể kéo dài trong nhiều tháng, ít nhất là ảnh hưởng tới đầu năm 2022, và khiến cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn.

Hậu quả của đứt gãy chuỗi cung ứng

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng lúc càng trầm trọng - Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại Đức của Opel. Nguồn: DW

Trong tháng 8, các nhà sản xuất ô tô của Anh đã phải cắt giảm 27% sản lượng xe do thiếu chip, dẫn đến lượng xe xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Trung Quốc giảm mạnh. Vào đầu tháng 10, các nhà sản xuất ô tô Volkswagen, Ford và Opel thông báo tiếp tục đóng cửa các nhà máy tại Đức, riêng với Opel sẽ đóng cửa tới tận năm 2022, sự đứt quãng dài nhất với công ty này trong lịch sử.

Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ.

Một hậu quả nhãn tiền khác là lạm phát. Cục dự trữ liên bang Mỹ FED cảnh báo tình trạng lạm phát có thể kéo dài bởi Mỹ vẫn chưa giải quyết được bài toán cung ứng hàng hóa. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI của khu vực Eurozone đã tăng lên đến 2,8% trong tháng 8. Với việc lạm phát tăng, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một mặt hàng và về lâu dài nhu cầu chi tiêu sẽ giảm xuống.

Nền kinh tế thế giới đang dần vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, nhưng các hậu quả của các đại dịch vẫn còn kéo dài và dai dẳng, và được dự báo sẽ tiếp tục cản trở đà phục hồi trong vòng một đến hai năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước