Hiện các quốc gia có năng lực y tế tương đối tốt tại Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ hay một số quốc gia Vùng Vịnh đang tiến hành một chiến lược xét nghiệm trên diện rộng. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Iran trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất tại Trung Đông cũng chỉ là xếp hạng tương đối, bởi năng lực xét nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là rất khác nhau. Tuy nhiên, sự lo lắng đang gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến ngày 11/3, Thổ Nhĩ Kỳ mới công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, số ca nhiễm đã lên hơn 80.000. Điều này khiến nhiều người lo ngại sự lây lan trong cộng đồng tại đây đã quá lớn.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện năng lực y tế của nước này vẫn đáp ứng được, bằng chứng là tỷ lệ tử vong so với nhiều nước châu Âu vẫn thấp. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng hơn 2.000 ca mỗi ngày như thời gian qua, sự quá tải của hệ thống y tế khiến nhiều người lo lắng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây phe đối lập cáo buộc chính quyền ngăn cản các hoạt động cứu trợ xã hội của họ, trong khi giới chức nước này lại cho rằng phe đối lập đang lợi dụng tình hình để kích động chống đối. Cuộc chiến chống lại COVID-19 không có sự đồng lòng, đoàn kết sẽ rất phức tạp.
Ngoài ra, còn một mối rủi ro khác tập trung chủ yếu ở các quốc gia Vùng Vịnh là tại đây có rất nhiều các trại lao động nhập cư. Lao động nhập cư vốn là nguồn sống cho rất nhiều hoạt động kinh tế nơi đây, từ xây dựng, vệ sinh môi trường, cho tới dịch vụ. Thế nhưng, tại các trại lao động, điều kiện sinh hoạt chật chội, chung đụng, giãn cách xã hội là điều không thể. Công nhân có thể phải ở trên chục người/phòng là chuyện thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!