Trải rộng hơn 63.000 ha, rừng ngập mặn Cà Mau là rừng ngập mặn lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau rừng Amazon của Nam Mỹ. Khu rừng này có vai trò rất quan trọng, được xem là lá chắn xâm thực của biển vào đất liền. Trong rừng, đước là loài cây phổ biến nhất nên nó còn được gọi là rừng đước.
Bên cạnh nhiều loài chim, thú quý hiếm, khu rừng này còn là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy sinh, thủy liễu, tôm, cá phong phú…, không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
Sống bên cạnh khu rừng này, người dân rừng đước còn học được cách cộng sinh với rừng, vừa bảo vệ hệ sinh thái rừng, vừa làm lợi cho mình, trong đó phải kể đến việc nuôi tôm, cua sinh thái, hiện đang được bà con đất mũi đẩy mạnh.
Được biết, nuôi tôm sinh thái kết hợp bảo vệ rừng không chỉ đem lại lợi nhuận cao và mang tính bền vững, mà còn giúp nâng cao khả năng chống chịu của vùng bờ trước biến đổi khí hậu.
Có thể nói, khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng độc đáo là một điểm đến thăm quan mơ ước của rất nhiều người. Lênh đênh trên vùng sông nước này có một trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua đó là cùng những người dân nơi đây đi bắt sản vật địa phương và chế biến những món ăn đặc trưng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!