Ngày 23/6/2016, một kết quả trưng cầu dân ý bất ngờ ngoài dự đoán đã nói lên nguyện vọng của phần đông hơn người dân Anh khi đó, rời khỏi mái nhà chung châu Âu, cũng là khối liên minh đầy tự hào của khu vực này. Một sự kiện chưa từng có tiền lệ ở một quốc gia thuộc EU. Việc chia tay không dễ dàng, với 3 năm đàm phán dai dẳng, trải qua 3 Thủ tướng Anh, 2 lần bầu cử sớm và nhiều lần thay đổi nội các. Những diễn biến này chỉ phản ánh một phần 3 năm rưỡi chia rẽ sâu sắc vừa qua trong nội bộ nước Anh.
Ngày 31/1/2020 đánh dấu chính thức việc Anh không còn là một thành viên EU, nhưng sẽ chưa có nhiều xáo trộn khác biệt trong quan hệ giữa Anh và châu Âu.
Từ ngày 1/2 hai bên sẽ bắt đầu một thời kỳ chuyển tiếp, dự kiến kéo dài ít nhất hết năm nay. Những khác biệt đáng kể nhất trong giai đoạn này là Anh sẽ không còn vị trí trong tất cả các thể chế chính trị thuộc Liên minh châu Âu, không có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách của khối. Tất cả các ràng buộc hiện tại về luật pháp, kinh tế, thương mại, vấn đề công dân sẽ chưa thay đổi. 11 tháng còn lại của năm là giai đoạn Anh kỳ vọng xúc tiến và hoàn thành đàm phán quan hệ thương mại mới với EU.
Nhiều ý kiến cho rằng, để định hình cụ thể được một nước Anh hậu Brexit sẽ như thế nào, sẽ bước tiếp ra sao, lợi thế và những điều mất đi là gì thì phải chờ khi 2 bên đàm phán xong quan hệ thương mại mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!