Mới đây, tỉnh Cà Mau vừa ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông, uy hiếp cuộc sống của người dân.
Hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các Sở ngành thiết lập hành lang an toàn; vận động nhân dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời ứng phó... Đầu tháng 8 vừa qua, Cà Mau cũng đã phải ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.
Tính từ đầu năm đến nay, tại Tiền Giang đã xảy ra hơn 80 điểm sạt lở, chủ yếu là khu vực bờ biển. Tỉnh đang triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Sóng lớn đánh vào bờ biển phá vỡ tuyến rừng phòng hộ cũng như tuyến đê biển tại tỉnh Tiền Giang. Hàng chục hộ dân khu vực này phải chạy thoát thân. Đoạn đê biển bị sạt lở nặng nhất kéo dài 16km thuộc vùng biển Tân Thành của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Mỗi năm, khu vực này bị lấn sâu vào đất liền từ 30 - 50m, đe dọa sản xuất đời sống của người dân.
Theo ước tính của chính quyền địa phương, thời qua biển đã liên tục xâm thực khiến vành đai rừng phòng hộ dầy 100 - 800m bị biến mất. Theo thống kê, gần 50 hộ dân ở trong vùng sạt lở nguy hiểm.
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng như vậy nhưng nhiều hộ dân không thể di dời đến nơi ở mới do điều kiện kinh tế khó khăn cũng như không có đất đai. Chính vì vậy bà con phải sống trong nỗi phập phồng lo sợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!