Đến năm 2030, diện tích rừng đặc dụng của Việt Nam sẽ tăng từ gần 2,2 triệu ha lên đến 2,4 triệu ha, tiếp tục tham góp vào việc tăng hệ số độ che phủ rừng của toàn quốc từ 41,85% lên trên 42%. Để đạt được điều này, công tác quản lý và bảo vệ rừng, trong đó tập trung vào rừng đặc dụng và rừng phòng hộ có vai trò hết sức quan trọng.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là bước tiến mới về công tác thể chế, góp phần thực hiện chặt chẽ các quy định để quản lý và bảo vệ tốt rừng đặc dụng, phòng hộ. Hiện nay, Bộ NN&PTNT và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp liên quan đến công tác này.
Các vấn đề liên quan đến kinh tế, môi trường và an sinh xã hội, đặc biệt, là việc quy hoạch đất rừng là nội dung được đề cập rất nhiều trong Hội nghị toàn quốc về quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Để tạo sinh kế cho người dân sống trong vùng lõi, nhiều địa phương đã thực hiện tăng cường nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch và xác định rõ được ranh giới và cắm mốc diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, để quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; giao, cho thuê, khoán bảo vệ rừng đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để hạn chế những tác động đến rừng Đây là những quy định mới trong hệ thống các văn bản, đã giúp bảo vệ rừng tốt hơn.
Với phương châm xã hội hóa để tập hợp sức mạnh của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại, gắn với việc tiếp tục làm tốt công tác quản lý để phát triển rừng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!