5 tỉnh ở khu vực này là Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn.
Xâm nhập mặn đã xuất hiện từ 5 ngày trước và dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 3 này. Hạn mặn khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô đến nay. Phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4gram/lít ở khu vực sông Vàm Cỏ vào sâu khoảng 100 - 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62 - 65km.
Trong đợt mặn cao điểm này, người dân các địa phương đã hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại sản xuất. Diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới bà con chủ động kiểm tra nồng độ mặn. Người dân tiếp tục mua nước ngọt từ các sà lan để tưới cho vườn sầu riêng, tuy giá cao từ 150 - 200 đồng/m3.
Riêng về nước sinh hoạt, bà con có ý thức sử dụng tiết kiệm hơn. Nhiều nơi cũng mở vòi nước công cộng miễn phí phục vụ cho các vùng khó khăn. Các tổ chức, đoàn thể như Hải Quân vùng 2, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục chuyển nước ngọt, hỗ trợ dụng cụ chưa nước, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Bên cạnh ứng phó hạn mặn, người dân ĐBSCL cũng theo dõi sát nguồn nước ngọt bổ sung. Để khi có nguồn nước này, bà con sẽ lấy ngay vào kênh rạch dự trữ. Nhiều vùng khó khăn, người dân cũng chuyển sang canh tác cây trồng chịu hạn mặn, hiệu quả cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!