115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2023): Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 02/02/2023 13:45 GMT+7

Tọa đàm khoa học "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam" (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những thành viên tham gia sáng lập ĐCS Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; là nhà hoạt động công đoàn tiêu biểu của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam; người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên trung, bất khuất, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã cống hiến tuổi xuân và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Từ khi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng, ở đâu Ðảng và giai cấp công nhân cần, đồng chí đều có mặt, với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất cách mạng của một người cộng sản.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925-1926, khi còn là học sinh Trường Thành Chung (Nam Định). Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia nhóm Nam Đồng thư xã-một tổ chức của những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Cuối năm 1927, sau khi được tham dự khóa huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Trung Quốc, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy đường lối của Hội phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, đồng chí đã xin gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở về nước hoạt động cách mạng. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2023): Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Nguồn: ĐCSVN)

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 9/1928, tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí và đồng chí Ngô Gia Tự đã tích cực đề nghị Hội nghị thông qua chủ trương đưa các hội viên đi "vô sản hóa" để thâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân. Chủ trương "vô sản hóa" đã thúc đẩy phong trào công nhân phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Sang năm 1929, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, nông dân Việt Nam đặt ra nhu cầu phải có một tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn để lãnh đạo phong trào cách mạng, đó chính là đảng cộng sản. Chính vì thế, tháng 3/1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập gồm tám đảng viên, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh. Ngay sau khi thành lập Chi bộ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí trong Chi bộ tích cực chuẩn bị thành lập một chính đảng Mácxít-Lêninít chân chính ở Việt Nam.

Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm-cơ quan ngôn luận của Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Từ cuối tháng 6 đến tháng 7/1929, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những hội viên Thanh niên tiên tiến để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả những nỗ lực không mệt mỏi của những người cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước, khẩn trương thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng, chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/1930) do đồng chí làm Bí thư.

Từ tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Để bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương Đảng cử vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn.

Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, rồi bị kết án tử hình. Bất lực trước tinh thần bất khuất, ý chí cách mạng kiên trung của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sáng ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí trước cửa Đề lao Hải Phòng. Đây đã trở thành một sự kiện lịch sử và cũng là một ngày đáng nhớ của thực dân Pháp khi chứng kiến người chiến sĩ cộng sản trước pháp trường, ngẩng cao đầu hô vang: "Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo đề hình. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm". Một sự bình thản đến lạ thường.

Cái chết bình thản, hiên ngang đầy khí phách của người thanh niên cách mạng 24 tuổi đã làm dấy lên cuộc đấu tranh phản đối tuyệt thực tại đề lao Hải Phòng, làm xúc động biết bao người dân chứng kiến giây phút ông hy sinh. Và cái chết ấy đã làm ngay chính kẻ thù là thực dân Pháp phải khâm phục, run sợ… Sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

Có thể thấy, cuộc đời đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam rất to lớn. Đồng chí không chỉ là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, mà còn là một trong những người sáng lập và là nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, khi càng đi sâu vào hoạt động thực tiễn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh càng thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa phong trào công nhân với tổ chức Công đoàn và chính đảng của giai cấp là Đảng Cộng sản.

Vận dụng quan điểm trên vào thực tế, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vừa hăng say làm việc, vừa bí mật viết tài liệu tuyên truyền, đặc biệt tài liệu "Tổ chức Công hội như thế nào" được in và lưu hành bí mật trong công nhân nhằm giúp hội viên Thanh niên nắm được cách thức xây dựng tổ chức công hội.

Từ chỗ đến với giai cấp công nhân rồi trở thành công nhân, lại là công nhân ở nhà máy in, đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh có điều kiện nghe, đọc, hiểu những câu chuyện về công nhân. Từ chỗ cảm tình với giai cấp công nhân, tham gia cuộc đấu tranh của công nhân, từ đây, với tư cách là một công nhân thật sự, đồng chí vui cái vui của công nhân sau những cuộc đấu tranh thành công, đau cái đau của công nhân bị đánh đập; chan hòa tình thương ấm áp của những người cùng cảnh ngộ, hòa nhịp đập cùng nhịp đập với trái tim những người công nhân.

Hơn thế nữa, đứng trong đội ngũ của những người công nhân, được tiếp nhận tinh thần, khí phách của những người thợ, tinh thần yêu nước của đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh càng được hun đúc.

Những hoạt động năng nổ của Nguyễn Đức Cảnh và tổ chức Thanh niên đã góp phần tích cực cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở 5D phố Hàm Long (3/1929) và Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929). Lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng đã giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.

Để hoàn thành trọng trách được giao, Nguyễn Đức Cảnh đã vận dụng quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: "Công hộị trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới", kết hợp với kết quả phong trào"vô sản hóa" và  kinh nghiệm tổ chức Công hội Ba Son (Sài Gòn) để hoàn tất báo cáo trình bày tại Hội nghị thành lập Tổng Công hội vào sáng ngày 28/7/1929 tại nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị tán thành quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, như bản Dự thảo của Nguyễn Đức Cảnh; bầu Ban Chấp hành lâm thời, trong đó Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo xuất bản báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ" -  cơ quan lý luận đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là bước phát triển quan trọng của phong trào công nhân Việt Nam, ghi dấu những cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, mở ra thời kỳ mới ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhận thức đúng đắn về vai trò của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công vận. Nhiều cán bộ do đồng chí bồi dưỡng, đào tạo, sau này đã trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng, của phong trào công nhân.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng

Tuy không có điều kiện được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, nhưng tư tưởng, quan điểm của Người qua tác phẩm Đường cách mệnh và các sách báo cách mạng khác đã giác ngộ lý tưởng cách mạng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn, suốt đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, trở thành tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Đạo đức và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; ở lòng tin sắt đá vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản; tự nguyện phấn đấu, hy sinh tận tụy làm việc và hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất nước. Đồng chí đã từ bỏ con đường trở thành một viên chức trong bộ máy chính quyền thực dân, với cuộc sống cá nhân sung túc đang rộng mở, để phấn đấu, hy sinh trọn đời vì lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và dân tộc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào hàng "tiên liệt", anh dũng hy sinh vì Đảng, vì giai cấp công nhân, vì dân tộc.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã sống và chiến đấu một cuộc đời vô cùng cao đẹp và anh dũng hy sinh, nêu tấm gương sáng của một người cộng sản kiên trung, bất khuất đối với các thế hệ cách mạng đời sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước