Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 16/02/2023 11:26 GMT+7

VTV.vn - Tầm nhìn 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

Kinh tế xanh cần không dựa vào tài nguyên khoáng sản

Sáng 16/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định công tác quy hoạch rất quan trọng bởi nó không chỉ cho trước mắt mà là hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chính vì tầm quan trọng này, ông Thanh nhấn mạnh công tác phải đúng ngay từ đầu. Quy hoạch là việc thiết kế cho một nền kinh tế, nếu quy hoạch không tốt sẽ bỏ lỡ cơ hội, tiềm năng cũng không được khai thác hết. 

"Năm 2015, 80% nguồn thu của tỉnh là từ dầu khí, hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống nhưng vẫn chưa bền vững trong tương lai bởi một nền kinh tế xanh cần không dựa vào tài nguyên khoáng sản. Do đó mục tiêu xây dựng chiến lược quy hoạch lần này, Vũng Tàu hướng đến việc cơ cấu theo hướng tích cực, bền vững trong khuôn khổ cũng như khả năng của tỉnh", Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh khẳng định.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu, Phạm Viết Thanh khẳng định công tác quy hoạch phải đúng ngay từ đầu

Theo quy hoạch, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. 

Tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,4-8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 khoảng 18.000-18.500 USD. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng 58,0-58,5%; dịch vụ 29,0-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5-6,7%;

Một nền kinh tế xanh cần không dựa vào tài nguyên khoáng sản

Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

3 vùng lãnh thổ và 1 vùng không gian biển - hải đảo 

Để thực hiện hoá mục tiêu và tầm nhìn của mình, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng gồm: 3 vùng lãnh thổ trên đất liền và 1 vùng không gian biển - hải đảo, đồng thời hình thành các trục kinh tế động lực.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển - Ảnh 3.

Sơ đồ tổ chức không gian và phân vùng chức năng trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Đầu tiên với vùng chức năng công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng Bắc - Nam từ ranh giới với tỉnh Đồng Nai đến phường 9 thành phố Vũng Tàu; theo hướng Tây - Đông: từ khu vực sông Thị Vải - Cái Mép - Vịnh Gành Rái đến quốc lộ 56, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, khu vực phía Tây quốc lộ 56 của huyện Châu Đức và phần phía Tây quốc lộ 51 (đường Võ Nguyên Giáp, 30/4) của thành phố Vũng Tàu. 

Trong vùng chức năng này sẽ tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành. Kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ; gắn kết với Hành lang kinh tế Đông Tây phía Nam của quốc gia (Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) và với hành lang kinh tế Xuyên Á.

Ngoài ra trong vùng chức năng này sẽ tỉnh sẽ tập trung hình thành 2 động lực phát triển là trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51 và Trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai là vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ ranh giới với tỉnh Bình Thuận đến thành phố Vũng Tàu; theo hướng Tây Bắc - Đông Nam: Từ dọc quốc lộ 55 và phía Đông nam quốc lộ 51 (đường Võ Nguyễn Giáp - 30/4) đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT.994; thuộc địa giới hành chính: thành phố Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Chức năng của vùng này sẽ chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch. 

Tiếp theo là vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh; thuộc lãnh thổ hành chính các huyện Đất Đỏ (phía Bắc quốc lộ 55), huyện Xuyên Mộc (phía Bắc quốc lộ 55), Châu Đức (phần phía Đông quốc lộ 56). Tại vùng chức năng này, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ của cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt... Định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững (gắn với sinh thái và du lịch). 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển - Ảnh 4.

Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ quy hoạch phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế (Ảnh: TTXVN)

Cuối cùng với vùng không gian biển và hải đảo, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; Phát triển điện gió trên vùng biển gần bờ ngoài khơi các huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ; Các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ hỗ trợ ngành dầu khí…

"Đến năm 2030, theo quy hoạch sẽ thành lập thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu trực thuộc Trung ương đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra ông Vinh nhấn mạnh tỉnh sẽ hướng tới sự phát triển bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: "Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt"

Xây đường sắt, làm sân bay

Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội , Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong các giải pháp trọng yếu. Đáng chú ý theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, khổ 1.435 mm, trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. 

Sau năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị, gồm: Tuyến Metro kết nối các trung tâm đô thị Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ với đô thị Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai); tuyến MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu để phục vụ du lịch. 

Với cảng hàng không/sân bay, Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển Cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện hữu) và sân bay Đất Đỏ. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển - Ảnh 5.

Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển Cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện hữu) và sân bay Đất Đỏ (Ảnh: TTXVN)

Với đường bộ, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch. Trong đó 10 tuyến đường tỉnh bổ sung, gồm: ĐT.992B (chuyển cấp từ đường Phước Hoà - Cái Mép), ĐT.992C (chuyển cấp quản lý từ đường chuyên dùng 965), ĐT.994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐT.994C (đường quốc lộ 51 đoạn chuyển thành đường địa phương), ĐT.994D, ĐT.994E, ĐT.995C, ĐT.996D, ĐT.999B và Đường Cỏ Ống - Bến Đầm trong giai đoạn 2021-2030, đầu tư nâng cấp, hoặc xây dựng mới đảm bảo đạt tiêu chuẩn cấp đường theo quy hoạch. 

Về cảng biển, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 7 khu bến và các bến cảng ngoài khơi. Cùng với đó là hành lang vận tải thuỷ nội địa Tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, với quy mô vận tải hàng hoá đến năm 2030 đạt khối lượng vận tải khoảng 31,5 - 35,5 triệu tấn/năm 

Lựa chọn sai sẽ trả giá đắt

Góp ý cho Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết công tác quy hoạch là công tác hết sức quan trọng, luôn đi đầu trong sự phát triển mỗi địa phương, mỗi vùng và mỗi quốc gia. 

"Nếu chúng ta chọn được một con đường đi đúng thì sẽ đi nhanh và bền vững. Nếu chọn sai sẽ trả giá đắt khi không chỉ lãng phí cả về thời gian và nguồn lực mà quan trọng nhất là mất đi cơ hội cho phát triển của đất nước cũng như của vùng và địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, những năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên dư địa của Bà Rịa - Vũng Tàu còn rất lớn, từ vị trí địa lý đến vai trò của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh là cửa ngõ quốc tế ra biển của cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, với hệ thống cảng biển lớn vào bậc nhất của phía nam. 

Tuy nhiên, tiềm năng của hệ thống cảng biển này đến nay vẫn chưa được khai thác tương xứng, giao thông kết nối kém, trong khi đó, các ngành kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay vẫn đang phụ thuộc lớn vào dầu khí, chưa có các sản phẩm mới, ngành kinh tế mới…

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng cho biết Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, xác định Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những vùng động lực của phía Nam, bên cạnh TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuyến đường sắt đi Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang được hình thành, mở ra cơ hội mới và không gian mới cho tỉnh. 

Bà Rịa – Vũng Tàu phải làm rõ phương án kết nối với sân bay Long Thành

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải làm rõ phương án kết nối với sân bay Long Thành dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2025 và phát triển mạnh du lịch Côn Đảo.

"Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải xác định rõ vai trò, vị trí, sứ mệnh của mình trong thời kỳ tới, chắc chắn phải là trụ cột của vùng động lực phía nam và phải là bệ đỡ hỗ trợ tăng trưởng của cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ", ông Dũng nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước