Tại phiên họp này, các thành viên đã thảo luận và đóng góp ý kiến về Báo cáo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Đề án Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù.
Các báo cáo được Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Công an trình bày tại phiên họp là những vấn đề hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa Hiến pháp 2013 cũng như thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và các Nghị quyết mới đây của Quốc hội. Các đại biểu đã cho ý kiến về nội dung tăng cường tính minh bạch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình tố tụng, nhấn mạnh tư tưởng Nhà nước pháp quyền trong tố tụng hình sự, trong đó nội dung quan trọng là bảo vệ quyền con người và quyền dân chủ; quyền im lặng của người bị bắt, người bị giam giữ, bị can, bị cáo; làm rõ bản chất của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Hiến pháp.
Một nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận trong Báo cáo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự đó là việc tiếp tục nghiên cứu hạn chế phạm vi áp dụng các điều luật có hình phạt tử hình. Về cơ chế tạm tha có điều kiện, các đại biểu nhất trí cơ chế này đáp ứng yêu cầu của chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện, xã hội hóa công tác thi hành án; tuy nhiên cần làm rõ hơn về các quy trình cần thiết nhằm tránh việc bị lợi dụng, chạy chọt…
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị nội dung của các báo cáo và đề án được trình bày, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng đây là những vấn đề có nhiều điểm mới mẻ và có ý nghĩa rất hệ trọng trong tiến trình xây dựng nền tư pháp của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
Đối với từng điểm cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm và vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, tán thành hay không tán thành đều cần phải có thuyết minh cặn kẽ. Chủ tịch nước lưu ý các cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến đóng góp cần đặc biệt quan tâm đến tính chất hội nhập, đến thực tiễn mới của đất nước, tham khảo luật pháp các nước, nhóm nước, đảm bảo có sự tương quan, tương thích trong hành xử của luật pháp Việt Nam phù hợp với yêu cầu hội nhập toàn diện.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.