Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Quang Hiệu, Đức Thuận, Trần Nam-Thứ ba, ngày 26/03/2024 21:00 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm và thường xuyên tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 Quốc hội khóa XV đã khai mạc sáng 26/3. Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa đã đặt ra yêu cầu là cần nỗ lực để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị và cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm và thường xuyên tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

Theo đó, hơn 300 lượt ý kiến đã đóng góp cho 25 dự án Luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, các luật quan trọng đều trình xin ý kiến hội nghị và có Luật được thảo luận 2 - 3 lần, nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng được tiếp thu, và qua đó chất lượng xây dựng Luật được nâng lên, khi thông qua đạt sự thống nhất rất cao. 

Đối với 8 dự án Luật được đưa ra thảo luận để trình Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để trình được sớm hơn so với các kỳ họp trước và đề nghị các đại biểu sẽ tiếp tục dành tâm huyết, trí tuệ đóng góp các ý kiến chất lượng, bảo đảm tính khả thi và không chồng chéo của Luật.

Tăng phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù của Thủ đô

Trên tinh thần gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về 4 Luật, trong đó có Luật mang nhiều quy định có tính đặc thù, vượt trội như dự án Luật Thủ đô (Sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã quan tâm đến vấn đề làm thế nào để phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội, nhất là về bộ máy, biên chế để đảm bảo cho thành phố đảm đương được nhiệm vụ đặc thù của mình.

Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề phải tập trung quy định về mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương xung quanh, bảo đảm sự tương trợ để cùng phát triển hiệu quả, toàn diện.

Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chiều nay thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu tán thành với nhiều quy định mới được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc hiện hành trong công tác xét xử, góp phần nâng cao chất lượng công tác Tòa án. Tiếp tục góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến Tòa án thực hiện quyền tư pháp; việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án…

Một số đại biểu đề nghị bên cạnh quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trong đó có quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử và Lưu trữ tài liệu điện tử.

Cuối chiều nay, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước