Phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/05/2022 22:11 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần đặt hai dự án trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án quan trọng quốc gia.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc đầu tư các dự án này nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia đồng thời giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát thông báo của Bộ Chính trị, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến cơ quan chủ trì thẩm tra để giải trình thuyết phục, thỏa đáng một số vấn đề như như khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần đặt hai dự án trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án quan trọng quốc gia, đồng thời tuân thủ nghiêm các khung chính sách 5 năm. Việc chuẩn bị cũng cần hết sức kỹ lưỡng, cân đối các nguồn lực, vừa tập trung có trọng điểm, vừa toàn diện, quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết nhằm mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận trong các phiên họp, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với cử tri và nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lập luận chặt chẽ, rõ ràng những vấn đề căn cơ như cách thức thảo luận, tranh luận, việc chia tổ, sử dụng tài liệu tại kỳ họp hay trách nhiệm tiếp thu giải trình của bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác xây dựng pháp luật với mục tiêu giảm thời gian nhưng đảm bảo chất lượng kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể tối đa là 7 phút, đồng thời quy định một số tiêu chí để trong trường hợp cần thiết, chủ toạ có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu cho phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước