Bất cập thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/07/2021 21:38 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ thu hồi tài sản Nhà nước trong các vụ án tham nhũng vẫn còn thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do bất cập trong hành lang pháp lý liên quan.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết: liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng tuy nhiên chỉ thu hồi được 31 tỷ đồng, tức là bằng 1/4. Trong trường hợp này, bất cập về mặt luật pháp là các cơ quan tố tụng chỉ có thể áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nên tài sản đã bị người vi phạm tẩu tán, chuyển qua cho công ty sân sau ngay khi quá trình tố tụng vẫn đang diễn ra.

Bất cập thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 1.

Còn trong vụ án kinh tế Hứa Thị Phấn, hơn 50 quyền sử dụng đất, ước tính giá trị hàng nghìn tỷ đồng mà Tòa tuyên kê biên, nay đều đã hết hạn sử dụng. Theo luật, chỉ khi bà Phấn làm thủ tục gia hạn, cơ quan thi hành án mới có thể bán đấu giá để hoàn tiền về cho Nhà nước. Điều này không thể xảy ra!

Bất cập thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 2.

Không chỉ thiếu thống nhất, thiếu liên thông trong hệ thống pháp luật, mà việc thiếu vắng những quy định đủ mạnh trong quản lý, đăng ký tài sản hay xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cũng khiến khả năng truy thu tài sản bất minh của người phạm tội rất khó khăn. Đơn cử như hiện pháp luật hình sự chưa quy định là bị can, bị cáo phải tự chứng minh tài sản đấy là tài sản hợp pháp hay không hợp pháp. Trách nhiệm đó vẫn thuộc về cơ quan điều tra. Thậm chí, trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được đấy là tài sản bất hợp pháp thì cũng chưa có chế tài để thu hồi.

Thu hồi tài sản có nguồn gốc phi pháp cất giấu ở nước ngoài còn khó hơn nữa. Đơn cử như với vụ án tham ô của Dương Trí Dũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đến nay vẫn chưa thể thu hồi 4,3 triệu USD phi pháp dù đã đề nghị một quốc gia khác hỗ trợ tư pháp.

Từ những dẫn chứng ở trên đây có thể thấy, giải quyết căn bản tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là bài toán khó tồn tại lâu nay. Vì vậy, một trong những nội dung nổi bật được đề cập trong Chỉ thị 04 của Ban Bí thư là việc hoàn thiện hành lang pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong thu hồi tài sản bất minh do tham nhũng, vi phạm kinh tế.

Hoàn thiện pháp luật để thu hồi tài sản tham nhũng

Đơn cử như Chỉ thị đã nêu rõ yêu cầu mang tính đột phá là phải xây dựng "cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội". Bởi hiện nay, theo quy định của pháp luật thì tòa án phải kết án một người nào đó, sau đó mới tiến hành thu hồi tài sản. Lợi dụng việc quá trình điều tra xét xử kéo dài nên các đối tượng đã có thể tẩu tán tài sản cho người khác.

Một nội dung rất quan trọng khác trong Chỉ thị Ban Bí thư cũng yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện "quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế".

Chỉ thị của Ban Bí thư đã định hướng rõ, phần việc còn lại của các cơ quan chức năng là cần sớm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, vi phạm kinh tế. Không thể để tiếp tục tái diễn tình trạng nhiều tài sản có được từ tham nhũng, vi phạm kinh tế vẫn ở yên trong nhà những kẻ phạm tội.

Bất cập thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 3.
Gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi từ năm 2016 đến nay Gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi từ năm 2016 đến nay

VTV.vn - Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước