Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là 1 trong 2 chỉ số PAPI thăng hạng nhiều nhất năm 2020 và trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tỷ lệ người dân tham gia đóng góp ý kiến cao nhất từ trước đến nay. Những chuyển biến mạnh mẽ từ Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng đến từng cấp chính quyền địa phương mà trong đó không thể thiếu vai trò giám sát của mỗi người dân trong quản lý công.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa khẳng định Nhân dân là trung tâm. Lợi ích của nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng. Chủ trương này đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống, tới từng người dân.
Minh chứng cho điều này là Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trong đó, Chỉ số kiểm soát tham nhũng đều tăng điểm ở 4 thành phần:
- Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương
- Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công
- Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công
- Quyết tâm chống tham nhũng
Chia sẻ trong chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 17/4, bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - cho biết, kết quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có những sự thăng tiến phản ánh 2 điều: Thứ nhất, công cuộc phòng chống tham nhũng đã thể hiện nỗ lực tốt hơn so với gia đoạn trước đã tạo niềm tin trong nhân dân.
Thứ hai, vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, sự tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền cũng có giảm đi nhưng thay vào đó, với sự ra đời của các kênh thông tin trực tuyến, cổng dịch vụ công quốc gia, địa phương… vô hình chung cũng giúp hình thành nhiều hơn sự tương tác gián tiếp giữa người dân và chính quyền, làm giảm tình trạng nhũng nhiễu.
Trong hơn 10 năm thực hiện nghiên cứu chỉ số PAPI, bà Huyền đánh giá rằng vai trò của người dân đã và đang ngày càng được nhấn mạnh hơn - "Trong suốt 10 năm qua, có nhiều công cụ để người dân tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền, tôi cho rằng với mức độ cởi mở cũng như sự nhận thức tốt hơn về vai trò của người dân tham gia giám sát chính quyền trong vòng năm 5 trở lại đây, cũng như sự phúc đáp của các cấp chính quyền tới phản ảnh của người dân, khiến người dân cảm thấy rằng tiếng nói của mình được lắng nghe nhiều hơn".
Chia sẻ với ý kiến của bà Huyền, PGS. TS Nguyễn Ngọc Đào, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng để đạt được 4 tiêu chí đánh giá theo chỉ số PAPI, một trong những nguyên nhân chủ chốt là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cũng như sự cương quyết của các cấp ủy chính quyền địa phương. "Câu chuyện nào cũng phải bắt đầu từ đường lối, chủ trương và chính sách".
Và với chủ trương đúng đắn, thứ nhất, chúng ta đã đạt được thành tựu to lớn là phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách tương đối hiệu quả. Những vụ án lớn cho thấy quyết tâm của Đảng rằng "không có vùng cấm" trong hoạt động này.
Thứ hai, Việt Nam đã phát triển dân chủ xã hội. Có thể nói, trước đây vấn đề này chưa được đặt ra một cách thiết thực nhưng hiện tại, ý thức của người dân cũng như nhu cầu của đời sống xã hội đã nâng lên dân chủ xã hội. Đây là bệ đỡ tinh thần cho việc nhân dân dám đấu tranh chống tiêu cực trong bộ máy công quyền.
Thứ ba, chúng ta đã có những công cụ nhưng những công cụ thực sự, tôi cho rằng vẫn đang thiếu. Theo nghiên cứu của tôi, còn rất ít những phản ảnh của người dân về hoạt động của chính quyền. Đó thường là những người có thiện cảm với chính quyền hoặc những người được hưởng lợi gì đấy từ chính quyền nhưng còn rất nhiều người dân bức xúc với hoạt động công vụ, dịch vụ công. Vì thế, có lẽ chúng ta cần nghiên cứu thêm những công cụ khác hơn nữa, không chỉ là giám sát mà làm sao đề cao quyền của người dân là được chính quyền giải trình trước toàn thể người dân.
"Tôi rất đồng tình với tiêu chí phải đánh giá phòng, chống tham nhũng qua trách nhiệm giải trình của chính quyền trước người dân" - PSG.TS Nguyễn Ngọc Đào cho biết thêm.
Bản chất của tham nhũng là lợi dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân. Công khai minh bạch chính là phương thuốc đặc trị để phòng, ngừa tham nhũng vì nó đưa mọi hoạt động sử dụng quyền lực công, tiền bạc, tài sản công khai dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước và người dân.
Những nội dung phân tích, trao đổi chuyên sâu về vấn đề này với sự tham gia của 2 vị khách mời chuyên gia có trong chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 17/4/2021. Mời độc giả quan tâm theo dõi trong VIDEO:
Sự kiện và bình luận - 17/4/2021
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!