Trước đó, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với số lượng lãnh đạo Ban Thư ký Quốc hội là 1 Tổng thư ký và 2 Phó Tổng thư ký.
Theo đó, Phó Tổng thư ký Quốc hội tương đương với chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ban thư ký không phải là một tổ chức độc lập mà sẽ hoạt động như một bộ phận thường trực, tập hợp những công chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, am hiểu sâu về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội, có khả năng tác nghiệp, giúp Tổng thư ký Quốc hội trực tiếp điều hành, xử lý công việc và giúp thông tin, kết nối kịp thời hoạt động giữa Tổng thư ký Quốc hội với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan khác. Việc tổ chức Ban thư ký theo cách thức này tương đối khả thi so với thực tế hiện nay, phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội và chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đồng thời từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ hoạt động của Quốc hội. Ban thư ký có nhiệm vụ tham mưu cho Tổng thư ký Quốc hội thực hiện các chức trách nhiệm vụ của mình. Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trước đó, vào sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có việc bổ sung quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức hoạt động là cho ý kiến bằng văn bản.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần phải cải cách thủ tục hành chính, có những việc nhất thiết phải thảo luận nhưng cũng có những việc chỉ cần xin ý kiến bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: thủ tục hành chính phải rất đơn giản nhưng phải đảm bảo đúng quy trình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.