Bộ Giao thông vận tải muốn đạt được mục tiêu thì không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 04/01/2016 21:19 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải hay các địa phương phải giải quyết cơ chế, chính sách cho từng dự án giao thông nhằm huy động được vốn để đầu tư xây dựng.

Chiều nay (4/1), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 62 tỉnh thành trong cả nước để tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trong những năm tới cần tiếp tục đưa ra các chính sách thu hút các nguồn vốn ngoài xã hội để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Giao thông vận tải đã cùng lúc vừa triển khai xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước vừa nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ.

Đây là hai trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Giao thông cũng đồng thời triển khai xây dựng trên 700 km đường cao tốc. Trong đó, chỉ riêng cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài tới 245km và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là hơn 100km. Cũng trong nhiệm kỳ này, 4.400 km đường quốc lộ, đường vành đai trọng yếu và hơn 94 km cầu đã được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, hơn 47.400 km đường giao thông nông thôn và hơn 15.400 cây cầu đã được xây dựng, trên 220.000 km đường nông thôn, chiếm gần một nửa chiều dài đường ở nông thôn của cả nước đã được cứng hóa.

Trong khi đó, ở lĩnh vực cảng biển, công suất bốc xếp của các cảng biển trong cả nước đã tăng thêm khoảng 50 triệu tấn so với năm 2011. Năng lực của các cảng hàng không cũng được tăng thêm đáng kể từ 42 triệu hành khách năm 2010 được nâng lên 70 triệu hành khách vào năm nay. Mặc dù, nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông bị hạn chế do kinh tế gặp khó khăn và nguồn vốn ODA giảm song dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ này là ngành Giao thông vận tải đã huy động được trên 300.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển. Chiếm phần lớn tổng số tiền huy động được từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc rà soát quy mô đầu tư và lựa chọn giải pháp phù hợp nên đã giúp tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng. Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nên việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đã hoàn thành sớm 1 năm và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành trước thời hạn 1,5 năm so với mục tiêu của Nghị quyết của Trung ương. Trong một báo cáo mới nhất, Diễn đàn kinh tế thế giới đã đánh giá mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm nay đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, điểm nổi bật nhất của ngành Giao thông vận tải trong 5 năm qua là huy động được nhiều nguồn lực nhất từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hệ thống giao thông đã có bước nhảy vọt. Dù trong điều kiện khó khăn về kinh tế và lạm phát nhưng 5 năm qua là thời gian cả nước có nhiều hệ thống giao thông được xây dựng đồng bộ và hiện đại. Cả nước có thêm 600 km đường cao tốc, nhiều hơn 100 km so với mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị từ những thành tựu đã đạt được trong năm nay và cả nhiệm kỳ này, ngành Giao thông vận tải không được chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng ra sức phát huy thành tích đã đạt được, đồng thời ra sức khắc phục yếu kém để hoàn thành được những nhiệm vụ của năm 2016 và cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải và Lãnh đạo Bộ phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành. Trong đó, cần tập chung vào việc cải cách thể chế và cơ chế chính sách nhằm tăng cường hội nhập cũng như huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội và tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là yếu tố quyết định để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương đã đề ra.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn trong và ngoài nước đề xây dựng hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần rà soát cập nhật quy hoạch, kế hoạch và chiến lược cả đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy theo quy hoạch, chiến lược đi cùng với cơ chế chính sách để thu hút đầu tư xã hội.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải hay các địa phương phải giải quyết cơ chế, chính sách cho từng dự án giao thông cụ thể dù đó là một cây cầu nhỏ, nhằm huy động được vốn để đầu tư xây dựng, chứ không thể xách cặp ra Hà Nội xin vốn, vì ngân sách Nhà nước hay vốn trái phiếu Chính phủ không thể đáp ứng được tất cả. Dù hệ thống đường bộ đã tiến được một bước dài, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị rà soát lại hệ thống đường bộ cả nước để nâng cấp.

Tiếp đó là đường cao tốc, 5 năm tới phải xây dựng được 2.000 - 2.500 km đường cao tốc. Và để đạt được mục tiêu này chỉ có trông chờ vào nguồn vốn ngoài xã hội chứ không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Đối với lĩnh vực đường sắt, ngành cũng phải mạnh dạn cổ phần hóa các doanh nghiệp để huy động vốn cho việc xây dựng từng đoạn đường sắt khổ 1m45, theo chiến lược đã được duyệt. Đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đã đi đầu trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, song Thủ tướng cũng đề nghị Bộ cần nỗ lực tiến hành cổ phần hóa 30 doanh nghiệp còn lại, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Vinalines. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần nâng cao năng suất và giảm giá thành để giảm được chi phí vận tải có như vậy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế mới tăng lên được.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung chỉ đạo để tiếp tục kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông, vì 5 năm qua đã giảm được có 12.000 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là bước tiến lớn nhưng mục tiêu giảm số người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông cần lớn hơn nữa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước