Cần thiết phải sửa đổi việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND
Sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09).
Trước đó, trình bày tờ trình Pháp lệnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để Tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, tổ chức.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, vẫn còn một số hạn chế và bất cập và không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 nên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 Chương, 44 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 07 điều, từ Điều 1 đến Điều 7) Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Chương II. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (gồm 19 điều, từ Điều 8 đến Điều 26)
Chương này quy định về thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; phân công Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp; thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị; kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyền cung cấp tài liệu của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; yêu cầu bổ sung tài liệu; đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Chương III. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại (gồm 03 điều, từ Điều 27 đến Điều 29)
Chương này quy định về nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Chương IV. Khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (gồm 15 điều, từ Điều 30 đến Điều 44) gồm 2 mục:
- Mục 1. khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị các quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (từ Điều 30 đến Điều 37)
- Mục 2. khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (từ Điều 38 đến Điều 42).
Chương V. Điều khoản thi hành (gồm có 02 điều: Điều 43 và Điều 44) quy định về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh và điều khoản chuyển tiếp.
Người chưa thành niên cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án
Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.
Về vấn đề chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, Khoản 4 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh quy định: "…Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư;…".
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với TANDTC và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 08 năm qua không có vướng mắc. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN
Về quy định có tính chất thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên (các điều 2, 10, 18, 21, 35), bà Lê Thị Nga thấy rằng, đối tượng bị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là người chưa thành niên, cần được bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Pháp lệnh bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện như sau:
Nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải bảo đảm yêu cầu như: phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
Thành phần tham gia phiên họp, trong đó có cha mẹ hoặc người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện nhà trường, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.
Phiên họp xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, ngoài thực hiện các quy định chung còn phải được tổ chức thân thiện; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; Thẩm phán phải mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân; phải có sự tham dự của cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (hỗ trợ về tâm lý, quan tâm sức khỏe, hướng dẫn kỹ năng trả lời và những vấn đề liên quan phát sinh tại phiên họp); việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ; câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; đồng thời tán thành với Khoản 4 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh quy định về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến hoàn thành dự thảo, trinh Chủ tịch Quốc hội trong tháng 12/2022, trong đó tiếp thu, giải trình về một số vấn đề như thủ tục thân thiện, giải quyết khiếu nại, các thủ tục hoãn cũng như vấn đề liên quan các Điều 24, 31, 35…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!