Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 22/05/2022 18:12 GMT+7

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5/2022 tại Nhà Quốc hội

VTV.vn - 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi)...

Luật Cảnh sát cơ động

Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động như kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, phiên họp thứ 9 của UBTVQH và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra , nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật bao gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành phim; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; lưu chiểu, lưu trữ phim; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh;...

Luật pháp không được cản trở điện ảnh Luật pháp không được cản trở điện ảnh

VTV.vn - Luật pháp cần tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Cơ quan thẩm tra cũng đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm…và xin ý kiến Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các Đoàn ĐBQH. Theo UBTVQH, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều, trong đó giảm 01 chương và 03 điều, cụ thể: Tách chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khỏi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng, đúng nội hàm của quy định; bổ sung các quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm nhằm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện; bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; tách tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành một điều để bảo đảm rõ ràng; bổ sung điều kiện cấp phép đối với công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ hơn; rà soát, hoàn chỉnh về hoạt động môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bỏ việc công nhận chứng chỉ môi giới bảo hiểm và chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm để giảm thiểu thủ tục hành chính; giới hạn lại đối tượng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để nâng cao chất lượng hoạt động phụ trợ bảo hiểm và phân biệt rõ với các loại tư vấn khác của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm;

Dự thảo cũng gộp Điều 111 về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và Điều 114 về thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành một điều quy định về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô (Điều 124); bỏ quy định tại Điều 32 về số tiền bảo hiểm, phương thức xác định số tiền bảo hiểm và Điều 33 về căn cứ trả tiền bảo hiểm để trao quyền cho các bên tự thỏa thuận; giao Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục, chấm dứt, gia hạn, thu hồi, cấp lại Giấy phép cho văn phòng đại diện (như quy định hiện hành) để bảo đảm thống nhất với các quy định đối với doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm...Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được ban hành nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm "đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế".

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi bổ sung các nội dung lớn như: danh hiệu thi đua "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu"; "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các điều khoản quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...

Cần thiết sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng Cần thiết sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng

VTV.vn - Sáng nay (28/10), Quốc hội họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến thảo luận về dự Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; phù hợp với các cam kết quốc tế có liên quan như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật , bãi bỏ một số quy định tại 05 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Về một số vấn đề quan trọng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: (1)Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì. (2) Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cơ bản tán thành với các nội dung khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật; nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. (3)Về bổ sung quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, Chính phủ đã bổ sung, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Việc ban hành Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự. Dự thảo Nghị quyết sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 3 điều, với các nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh: Quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt. Số lượng trại giam được thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an và thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm.

Thứ hai, về nguyên tắc thực hiện thí điểm: (1) Bảo đảm an toàn; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù; (2) Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; (3) Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; (4) Trên cơ sở xác định điều kiện về tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và một số điều kiện khác, Nghị quyết quy định 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam'.

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo dự thảo Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 được điều chỉnh như sau: Quốc hội đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023: (1) tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), Quốc hội thông qua 06 luật, 01 nghị quyết, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nếu có). Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến 06 dự án luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; (2) Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội thông qua 06 luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến 02 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.

Dự thảo Nghị quyết gồm 10 chính sách, quy định về Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (gồm 4 chính sách); về quản lý quy hoạch; về quản lý đất đai (gồm 2 chính sách); tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong khu Kinh tế Vân Phong; về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Cần làm rõ nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của Cảnh sát Cơ động Cần làm rõ nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của Cảnh sát Cơ động

VTV.vn - Các đại biểu đề nghị làm rõ 3 nội hàm "đặc thù," "đặc biệt" và "tinh nhuệ" của lực lượng CSCĐ; làm rõ vị trí, vai trò của CSCĐ so với các lực lượng khác trong CAND.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước