Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:

Cần bổ sung chính sách hỗ trợ người chưa thành niên chấp hành xong án phạt tù

Thu Trà-Thứ tư, ngày 23/10/2024 21:16 GMT+7

VTV.vn - Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đánh giá cao dự thảo luật đã bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, các đại biểu đề nghị cần sớm ban hành Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Tôi nhất trí với quy định về việc tổng hợp hình phạt tù trong dự thảo luật lần này. Quy định như dự thảo vẫn có tính nhân văn đối với người phạm tội là người chưa thành niên vừa đảm bảo tính công bằng và tính răn đe khi áp dụng tổng hợp hình phạt. Dự thảo quy định việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên".

Cần bổ sung chính sách hỗ trợ người chưa thành niên chấp hành xong án phạt tù - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh: "Trong mọi trường hợp, người chưa thành niên bị buộc tội phải có người bào chữa, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người chưa thành niên bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy rất đúng, tuy nhiên, cần cụ thể hóa nguyên tắc này rõ hơn nữa, vì giữa quy định và thực tiễn luôn có những khoảng cách".

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có điều kiện sống văn hóa và kinh tế còn nhiều khó khăn.

"Các chính sách trên cần tập trung vào việc đào tạo nghề gắn với những ngành nghề truyền thống như nông nghiệp, chăn nuôi và thủ công mỹ nghệ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, trong luật này, chúng ta cần tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và pháp lý bằng ngôn ngữ dân tộc giúp người tái hòa nhập vượt qua rào cản ngôn ngữ và phong tục", bà Trần Thị Thu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết sau phiên họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của từng đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình trình Quốc hội trước khi thông qua.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước