Là thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên của cả nước nhưng về tổ chức hành chính, TP Thủ Đức chỉ là đơn vị hành chính cấp quận huyện. Điều này chưa phù hợp tạo lực đẩy cho một thành phố gần 1,2 triệu dân được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 GRDP và là cực tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh. Vừa chỉnh trang, giải quyết các vấn đề nội tại như kẹt xe, ngập nước, quy hoạch... vừa phải phát triển đô thị mới, TP Thủ Đức cần được trao cơ chế đặc thù vượt trội hơn, đặc biệt là cơ chế phân cấp ủy quyền.
Tại bộ phận 1 cửa khu vực 2, TP Thủ Đức, trước khi sáp nhập 3 quận, làm xong một giao dịch đảm bảo chỉ mất 1 ngày nhưng nay phải mất 3-4 ngày, thậm chí cả 1 tuần. 9 tháng đầu năm, TP Thủ Đức phải giải quyết hơn 87.300 hồ sơ thủ tục các lĩnh vực, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021. Trong đó, 70% thủ tục về đất đai và quá tải chủ yếu cũng ở thủ tục lĩnh vực này.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Chi nhánh hiện nay với cơ chế hoạt động nhân sự gần 170 người thì cơ cấu không hiệu quả thì chúng ta đưa thành văn phòng, hoặc chúng ta lập trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm quản lý hạ tầng... tức là thành lập các đơn vị đặc thù để cơ chế hoạt động hiệu quả hơn".
Trong phân cấp ủy quyền, Thành phố Thủ Đức đang cần phân định rõ ràng ở nhiều thủ tục. Những việc chung, tác động lớn cần thẩm quyền của tập thể, còn với những thủ tục đơn lẻ như cấp phép xây dựng hộ gia đình thì nên chăng thuộc thẩm quyền cá nhân phụ trách để giải quyết thủ tục nhanh hơn.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: "Phải mạnh dạn trao quyền cho họ bởi nếu không trao quyền cho họ thì thành phố trong thành phố không còn ý nghĩa nữa. Vì bản thân thành phố là phải tự chủ cao. Nói cách khác thành phố Thủ Đức phải làm sao độc lập được về mặt quản lý, tài chính, về mặt phát triển, tất nhiên trong đó mọi quyết định thì phải theo định hướng chung của TP Hồ Chí Minh và vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, tham vấn lãnh đạo TP và Trung ương".
Các chuyên gia cũng cho rằng Thủ Đức cần có tổ chức bộ máy tương xứng, không thể dùng bộ máy của một quận kèm theo đó là chính sách động lực cho môt số cán bộ công chức để nâng chất lượng và hiệu quả quản lý. Một khi đã được trao quyền thì cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, trong đó phải kể đến việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách hay được lập một ban đô thị hội đồng nhân dân TP Thủ Đức.
TP Hồ Chí Minh kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, đồng thời chuẩn bị dự thảo một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trình Quốc hội. Trong đó, sẽ có nội dung kiến nghị cơ chế vượt trội dành cho TP Thủ Đức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!