Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Hôm nay (15/8), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đó là đề xuất phạt tiền từ 15 – 30 triệu đồng đối với nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân tới 40 triệu đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình. (Ảnh: TTXVN)
Đóng góp ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc cần sớm ban hành pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã hoàn chỉnh hồ sơ trình đầy đủ nghiêm túc trình tại phiên họp hôm nay. Ủy ban Thường vụ thống nhất những nội dung cơ bản của pháp lệnh, đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, trình Ủy ban Thường vụ xem xét để ký ban hành ngày 18/8. Lưu ý làm rõ về phạm vi, đối tượng, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng và các yếu tố cấu thành. Quy định mức xử phạt bảo đảm phù hợp mức độ, tính chất hành vi vi phạm cùng quy định trong các Luật, bộ luật liên quan khác. Rà soát, xử lý những người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quan điểm và nguyên tắc lớn, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng là đồng bào dân tộc, người yếu thế. Làm rõ các quy định pháp luật liên quan đến cung ứng dịch vụ công, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ công. Đảm bảo tương thích với hệ thống pháp luật chuyên ngành về bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao dịch thương mại điện tử, đạo đức kinh doanh, quảng cáo sản phẩm cũng như tương thích với các điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu giữ lại đối tượng là tổ chức trong khái niệm người tiêu dùng.
Sáng mai (16/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!