Các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn hiện hành nhằm hoàn thiện pháp luật, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng có một số điều khoản cần quy định rõ hơn để bảo tính khả thi, như quy định về thời gian chậm đóng hoặc không đóng kinh phí công đoàn và chế tài xử lý vi phạm này.
"Hai nội dung này rất là khó xác định, dễ bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm, do vậy đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo luật lần này thời hạn bao lâu, ví dụ 3 tháng, 6 tháng được xác định là không đóng kinh phí công đoàn hoặc chậm đóng để điều luật được đảm bảo chặt chẽ", ông Dương Văn Phước (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề xuất.
"Khoản 5 quy định cấm như vậy nhưng chúng ta chưa có quy định chế tài nào để xử lý hành v vi phạm, ví dụ như chậm đóng thì có đóng bù không, có tính lãi suất không, có phạt không. Tôi đề nghị bổ sung để đảm bảo tính khả thi", ông Tô Văn Tám (Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) đề nghị.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Cho ý kiến về quy định thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở, một số đại biểu cho rằng quy định như dự thảo còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô các đơn vị có đông người lao động.
"Theo tôi chỉ cần quy định nguyên tắc chung cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian hoạt động và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng của đoàn viên công đoàn", ông Trần Nhật Minh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) nêu ý kiến.
Đối với quy định phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa bao quát, toàn diện khi bỏ qua trách nhiệm của người sử dụng lao động.
"Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương, tiền công theo quy định của pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mọi điều kiện để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm được phân công. Vì vậy, đề nghị bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm là người sử dụng lao động", bà Nguyễn Thị Sửu (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) đề nghị.
Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị bổ sung quyền của công đoàn viên trong việc được hưởng thụ các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật do Công đoàn đầu tư, đồng thời bổ sung quy định giám sát người sử dụng lao động thực hiện tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!