Chuyên đề giám sát giống như liều thuốc kháng sinh cực mạnh
Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho biết, Báo cáo giám sát đã chỉ ra hàng trăm dự án, hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do yếu tố chủ quan là chính, trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần nêu rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí để tăng thêm chất lượng của Báo cáo giám sát.
"Tình trạng lãng phí đã xảy ra trong một thời gian dài. Chuyên đề giám sát này sẽ giống như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh, đặc trị để xử lý dứt điểm. Để xử lý thì cần chỉ rõ trách nhiệm của ai, cá nhân nào, tổ chức nào. Khi các chủ thể quyết định chủ trương dự án không ai muốn xảy ra lãng phí nhưng những cơ chế, những công trình, dự án có yếu tố cá nhân, tư lợi và cố ý làm sai thì cần phải xử lý trách nhiệm của những người đưa ra chủ trương đó" – ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị chuyển báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán, công an… xác định rành rọt để xử lý.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên có lộ trình phù hợp, kế hoạch tổng thể để xử lý những vấn đề mà đoàn giám sát đã nêu.
Lãng phí là vấn nạn quốc gia
Đại biểu Trần Đình Gia (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia. Thực trạng lãng phí còn rất nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến phát triển của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc khoa học, khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục, đã làm rõ thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Liên quan đến việc quản lý đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính hoặc di chuyển về địa điểm mới, ông Trần Đình Gia cho rằng việc quản lý thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
"Cử tri nhiều lần có ý kiến nhưng việc xử lý vấn đề này chưa có hiệu quả. Nhất là tài sản của các cơ quan trung ương trên địa bản dôi dư sau khi xây dựng trụ sở mới như Viện kiểm sát, Kho bạc, một số đơn vị quân sự sau khi xây dựng cơ sở mới nhiều năm nhưng chưa có giải pháp để bàn giao cho địa phương chuyển đổi công năng sử dụng" – đại biểu tỉnh Hà Tĩnh chi rõ.
Bên cạnh đó, trong việc sử dụng xe công, có cơ quan nhu cầu sử dụng xe ít nhưng lại bố trí nhiều trong khi có cơ quan, địa phương có địa bàn quản lý rộng, số cán bộ lớn nhưng lại bố trí thiếu xe dẫn đến phải thuê, mượn ảnh hưởng đến công việc và chi tiêu hành chính.
Về niên hạn sử dụng xe công, đại biểu nêu rõ, theo quy định xe chở người chỉ sử dụng trong 20 năm nhưng xe công xuống cấp nhanh nên bảo dưỡng, sữa chữa tốn kém hơn cả mua xe mới nhưng vẫn phải sửa chữa để đáp ứng nhu cầu công việc dẫn đến rất lãng phí. Đại biểu đề nghị sớm điều chỉnh quy định này.
Ngoài ra, các định mức phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam so với quốc tế chỉ đạt 60%, trong khi các khoản chi gián tiếp cao nên đầu tư công còn lãng phí lớn. Ví dụ như 1km đường cao tốc của Việt Nam có giá 156 tỷ đồng, lớn hơn các nước có chất lượng tương đồng nhưng chất lượng công trinh lại thấp, có công trình khi chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định; quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các điều kiện để quản lý nhà nước đối với các tỉnh khó khăn, góp phần để nâng cao thu hút đầu tư giúp các tỉnh này trong tương lai có nguồn thu ngân sách tốt hơn, có cơ hội đầu tư phát triển.
Đề nghị có chế tài xử lý việc kê khai giá mua bán bất động sản 2 giá
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát việc thực hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 Đặc biệt qua công tác giám sát nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được nâng lên.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Quốc hội tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng pháp điển hóa các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sát thực tiễn và tăng chế tài xử lý, đảm bảo việc thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, đại biểu nêu lên tình trạng kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ nộp thuế thấp hơn so với giao dịch thực tế diễn ra khá phổ biến, làm thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
"Đề nghị Chính phủ có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm các tổ chức công chứng, tập thể, cá nhân trong việc kê khai giá mua bán bất động sản 2 giá không đúng thực tế, gây thất thu ngân sách" – đại biểu tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, nhiều định mức, tiêu chuẩn quá thấp gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!