Chiều 30/6, Chính phủ đã tiến hành phiên họp trực tuyến với các lãnh đạo của tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng qua và các giải pháp cho nửa cuối của năm nay. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ và Lãnh đạo các tỉnh, thành cần thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp cho những yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội nửa năm vừa qua.
Yêu cầu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các thành viên, Chính phủ và Lãnh đạo các địa phương đó là cần chỉ ra những tồn tại yếu kém khiến cho nền kinh tế chỉ tăng trưởng được 5,52%, thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước là 6,32%, cũng như những dư địa để cả Trung ương và địa phương nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng cho biết hạn hán và xâm nhập mặn đã làm mất 1,3 triệu tấn gạo, trong khi thu ngân sách của Trung ương đạt thấp, bội chi ngân sách cao, còn giải ngân cho đầu tư phát triển mới chỉ đạt 26%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi, kết quả này phải chăng do chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh chưa đi vào cuộc sống. Vì nếu chính quyền các cấp tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp chắc chắn sẽ giúp tăng trưởng tốt hơn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp tự hỏi bộ máy của mình đã phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa, đã thực sự là chính quyền kiến tạo hay chưa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành cần thẳng thắn chỉ ra những bức xúc ở địa phương mình cũng như chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan để khắc phục, cùng nhau đoàn kết để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề của năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng nay tăng 0,46%, đưa chỉ số tiêu dùng bình quân 6 tháng qua tăng 1,72%. Thu ngân sách mới chỉ đạt 47%, tăng thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82 tỷ USD, tăng gần 6% so với mục tiêu là 10%. Trong khi đó, tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong nửa năm qua, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động đã tăng 20%, ngoài ra gần 15.000 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động nay đã hoạt động trở lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.