Đất nước ta đang đứng trước vấn nạn có hệ thống và đáng báo động là lãng phí. Lãng phí diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ nguồn lực con người, xã hội, tài nguyên, cho đến tiền bạc và thực phẩm. Hậu quả của tình trạng này có thể kéo lùi sự phát triển của quốc gia khi lãng phí hiện diện ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực như tiền bạc, tài sản công cho đến ý thức.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giờ đây trở thành nơi hoang phế, với cỏ mọc trên những bức tường dở dang, sắt thép hoen gỉ và bê tông phơi nắng mưa. Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chung số phận, với tổng mức đầu tư lên đến gần 5.000 tỷ đồng. Chỉ riêng hai dự án bệnh viện này đã tiêu tốn gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với ngân sách thu của một tỉnh trong hơn ba năm.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, người dân đã phải vật lộn với tình trạng ngập nước nghiêm trọng. Mực nước triều cường đã vượt báo động 3, biến nhiều đường phố thành sông. Cách đây 8 năm, khi dự án chống ngập được triển khai với tổng đầu tư 10.000 tỷ đồng, người dân từng hy vọng vào viễn cảnh tốt đẹp hơn. Thế nhưng, dù đã hoàn thành 90%, dự án vẫn đình trệ, chưa biết đến khi nào mới đi vào hoạt động.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Ảnh: VGP
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã yêu cầu rà soát và xử lý những dự án dang dở kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Trong bài viết gần đây "Chống lãng phí'' hay phát biểu tại họp Quốc hội, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh: Chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phòng chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và với nhiều giải pháp hữu hiệu.
Lãng phí có thể nhận diện ở rất nhiều hình thức, từ những hành vi như lãng phí điện, nước, lãng phí thời gian trong công việc, đến những dự án hàng nghìn tỷ đồng bỏ hoang hóa nhiều năm… Lãng phí còn tạo ra sự bất công trong xã hội, những cơ hội phát triển sẽ bị thu hẹp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi phải xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày". Chống lãng phí không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!