Chủ tịch nước đề nghị tích cực đàm phán EFTA, mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 19:28 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp ông Johann Schneider–Ammann, cựu Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Sáng 27/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp ông Johann Schneider–Ammann, cựu Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ và ông Philipp Rösler, cựu Phó Thủ tướng Đức.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai ông với kinh nghiệm và uy tín của mình tích cực thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA nhằm tạo động lực quan trọng mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, nhất là trong bối cảnh hai nước khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Philipp Roesler vừa được bổ nhiệm làm Lãnh sự Danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Đồng thời hoan nghênh ông đã tích cực thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp Đức và Thụy Sĩ vào đầu tư tại Việt Nam.

Cựu Phó Thủ tướng Đức khẳng định Việt Nam là đất nước gắn bó đặc biệt với ông và sẽ làm hết mình để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu. Vừa qua, ông đã tích cực quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới các doanh nghiệp Đức và Thụy Sĩ và ông cũng đã tham gia Ban quản trị của các tập đoàn VinaCapital và Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước đề nghị tích cực đàm phán EFTA, mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đón nhận cuốn sách "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" được dịch sang tiếng Italy và phát hành tại Italy từ nguyên bản cùng tên bằng tiếng Việt với sự phối hợp biên tập của bà Sandra Scagliotti, nhà nghiên cứu về Việt Nam và ông Trần Doãn Trang, kiều bào tại Italy (Ảnh: TTXVN)

Cũng trong sáng 27/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Sandra Scagliotti, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino, Italy và nhận cuốn sách “Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam” do chính bà dịch từ tiếng Việt sang tiếng Italy.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh bà đã nghiên cứu, xuất bản nhiều tác phẩm về Việt Nam. Còn Văn phòng Lãnh sự và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Torino trở thành cầu nối để bạn bè Italy và châu Âu hiểu biết thêm về các giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước và con người Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh cuốn sách này cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam về yêu chuộng hòa hòa bình.

Bà Sandra Scagliotti khẳng định Việt Nam là đất nước mà bà gắn bó, yêu quý ngay từ khi còn là một sinh viên tham gia phong trào phản chiến đầu thập niên 1970. Bà luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và đại diện cho ý chí, khát vọng về độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc. Bà Sandra Scagliotti khẳng định sẽ cùng chồng là Chủ tịch Phòng Thương mại Italy - Việt Nam tiếp tục trao truyền tình cảm, văn hóa và lịch sử Việt Nam cho giới trẻ tại Italy và châu Âu.

Chủ tịch nước đề nghị tích cực đàm phán EFTA, mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ - Ảnh 2.

Tiếp Thị trưởng thành phố Bern, Thủ đô của Thụy Sĩ ông Alec Von Granffenried, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bern và Hà Nội tăng cường hợp tác, nhất là trong bảo tồn di tích và quản lý đô thị.

Từ việc Bern và La Habana là hai thành phố đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1983, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền thành phố Bern nghiên cứu hợp tác với 12 địa phương của Việt Nam có di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nhất là trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cũng như quáng bá các di sản này ở Thụy Sĩ để có thêm nhiều người Thụy Sĩ và châu Âu đến du lịch ở Việt Nam như hồi trước đại dịch COVID-19. Bởi việc tạo điều kiện để người dân hai nước hiểu biết về nhau là nền tảng bền vững cho quan hệ giữa các quốc gia.

Thị trưởng Alec Von Granffenried nhấn mạnh, dù Bern là một thành phố nhỏ trong một nước có diện tích nhỏ ở châu Âu nhưng lại có một trái tim lớn dành cho Việt Nam. Chính vì thế, Bern sẽ tiếp tục cùng với Hà Nội tăng cường mối quan hệ hợp tác đã có từ nhiều năm nay, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thụy Sĩ và Việt Nam lại có cơ hội bồi đắp cho mối quan hệ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước