Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh đội ngũ luật sư Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu ngang tầm với trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực tham gia vào các tổ chức quốc tế và giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế. Cùng tới dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 2 còn có Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, từ chỗ chỉ có 5.300 luật sư khi Liên đoàn luật sư Việt Nam thành lập năm 2009, đến nay cả nước đã có trên 9.000 luật sư và 63 Đoàn Luật sư ở các tỉnh, thành phố. Điều đó chứng minh sự phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam. Các luật sư đã đóng góp vào việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại nhiều phiên tòa và cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội; hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và diện chính sách; tham gia tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, xây dựng luật pháp, tư vấn các giao dịch quốc tế quan trọng.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu so với thế giới, tỷ lệ luật sư trên số dân của Việt Nam vẫn còn thấp, có nơi chỉ có 1 luật sư/11.000 người; chất lượng hoạt động của luật sư chưa đáp ứng so với yêu cầu ngày càng cao về tố tụng và tư vấn pháp luật theo yêu cầu của cải cách tư pháp; cá biệt một số luật sư còn lệch lạc về nhận thức chính trị, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là mục tiêu của Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các luật sư với tư cách là một chủ thể tham gia hoạt động tư pháp cần tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, không ngừng học hỏi nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của đất nước, ngang tầm với đòi hỏi của quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện.
Liên đoàn luật sư cũng cần chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động luật sư và các tổ chức luật sư; xây dựng cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng; đặc biệt là phát huy vai trò của mình ngay từ giai đoạn điều tra, đảm bảo mọi công dân có nhu cầu đều được luật sư trợ giúp pháp lý và bào chữa khi bị xét xử về hình sự.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.