Chủ tịch nước dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức

Hồng Phúc (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 27/11/2015 19:18 GMT+7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Đức tại Frankfurt. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức.

Chiều tối 26/11 theo giờ Việt Nam, tại Frankfurt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức do Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại- Công nghiệp Frankfurt và các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Đức tổ chức. Diễn đàn đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và khoảng 100 doanh nghiệp Đức tham dự, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức.

Đánh giá 40 năm kể từ khi Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam và Đức đã trở thành đối tác chiến lược của nhau, trong đó hợp tác kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Đức từ nhiều năm nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 1,4 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức. Việt Nam mong muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức tiếp tục đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Chủ tịch nước cũng nêu bật các thành tựu trong gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam nhất quán đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam là thành viên và việc hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng với đó là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nội tại đang mở ra nhiều cơ hội mới các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, tại Đức có trên 125.000 người Việt Nam đang sinh sống và khoảng 100.000 người Việt Nam nói tiếng Đức ở Việt Nam là một nền tảng vững chắc để hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa và xã hội. Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Đức tranh thủ tốt cơ hội này và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.

Các doanh nghiệp Đức tham dự Diễn đàn đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, trong đó một số tập đoàn lớn của Đức đã xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng trong chiến lược đầu tư của mình ở châu Á. Nhiều doanh nghiệp Đức đánh giá Việt Nam chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế "trẻ" có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn, nguồn nhân lực dồi dào, cần cù và ham học hỏi. Một số doanh nghiệp Đức nhấn mạnh các cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam nhờ hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhất là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, FTA Việt Nam-EU. Các doanh nghiệp Đức hoan nghênh Chính phủ Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi). Một số doanh nghiệp mong muốn Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường hợp tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

*Cũng tại thành phố Frankfurt, nhằm thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn lớn, có tiềm lực vào Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi về các chính sách kinh tế vĩ mô, quá trình cải cách hành chính và tối ưu hóa hóa thủ tục, môi trường đầu tư nước ngoài với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Đức như Siemens, Messer, Braun, Bombardier.

*Trong khuôn khổ các hoạt động tại bang Hessen, Chủ tịch nước đã đến thăm Trung tâm đào tạo nghề của Tập đoàn sản xuất ô tô OPEL. Tại đây, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu đã được Lãnh đạo Trung tâm giới thiệu về các mô hình đào tạo nghề của OPEL, trong đó có đào tạo nghề "song hành". Chủ tịch nước đã bày tỏ ấn tượng trước quy mô, sự hiện đại và hoạt động hiệu quả của Trung tâm. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề. Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển dạy nghề với mục tiêu dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, từng bước theo kịp trình độ của các nước phát triển tại khu vực ASEAN và trên thế giới. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Tập đoàn OPEL hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư và thợ lành nghề, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây cũng là hoạt động cuối cùng kết thúc thành công chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 24 đến 26/11.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước