Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Tanzania, Mozambique và Iran

Hồng Phúc, Ngọc Tuấn, Trần Nam (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 16/03/2016 22:49 GMT+7

VTV.vn - Ngày 16/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa kết thúc thành công chuyến thăm cấp Nhà nước đến các nước Tanzania, Mozambique và Iran.

Tanzania, Mozambique và Iran là những quốc gia đã từng ủng hộ Việt Nam hết mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trải qua những biến đổi của lịch sử, khi nước ta và tại mỗi nước mà Chủ tịch nước đến thăm đều đang diễn ra những thay đổi quan trọng, một lần nữa, những người bạn cũ, tin cậy lại đến với nhau, không chỉ củng cố tình cảm tốt đẹp vốn có mà còn tìm đến những lợi ích chung về phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Với ý nghĩa đó, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Tanzania, Mozambique và Iran.

Với truyền thống thủy chung, tình nghĩa, Việt Nam luôn biết ơn bạn bè các nước anh em đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Tuy nhiên, trong hơn 40 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống còn rất khiêm tốn, trong khi mức độ tin cậy chính trị cao và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước này còn rất to lớn. Cả ba nước mà Chủ tịch nước đến thăm đều triển khai chính sách hướng Đông mạnh mẽ, vì vậy chuyến đi này không chỉ là sự ủng hộ kịp thời và quý báu đối với nước bạn mà còn là sự nắm bắt cơ hội hợp tác để cùng phát triển.

Tanzania, Mozambique dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp rất trọng thị, chu đáo với nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Đông đảo quần chúng nhân dân đón chào Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam trong các nghi lễ đón tiếp chính thức cũng như trong các hoạt động của đoàn trong suốt chuyến thăm. Chủ tịch nước đã có các cuộc hội đàm hết sức phong phú với với những thỏa thuận cụ thể, chất lượng.

Trong các cuộc gặp gỡ và làm việc, Việt Nam và các nước bạn đều khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu cần được gìn giữ và phát huy. Việt Nam và bạn bè cũng kiểm điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại, chỉ ra những tiềm năng lớn chưa được tận dụng. Từ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng lãnh đạo các nước nhất trí về những lĩnh vực ưu tiên, các biện pháp căn bản để đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Việt Nam cam kết cùng Tanzania đưa quan hệ kinh tế - thương mại lên 1 tỷ USD.

Với Mozambique, hai bên cam kết đưa giá trị trao đổi thương mại hai chiều lên 500 triệu USD. Với hai nước châu Phi, các mặt hàng được xác định có tiềm năng lớn để ưu tiên khai thác gồm có: gạo, nông sản, hải sản, quần áo, giày dép. Ngược lại, Việt Nam sẽ mua sản phẩm của bạn như: hạt điều, thức ăn gia súc, bông, sắt thép phế liệu, sản phẩm gỗ.

Với hai nước châu Phi, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp đang là ưu tiên số một. Do vậy, cả Tanzania và Mozambique đều đánh giá cao và muốn được Việt Nam hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trên thực tế, tai những quốc gia này đã đón nhận các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang làm việc. Những kết quả ban đầu cho thấy các mô hình khảo nghiệm của Việt Nam giúp bạn đều đem lại năng suất cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây.

Lục địa đen được đánh giá là đang "chuyển động" hòa nhập với thế giới, phần lớn các quốc gia ở đây đều đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi. Dù khoảng cách địa lý xa xôi, sự không đồng đều về pháp luật nhưng tại hai nước châu Phi đã có sự hiện diện những tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam như: Hapro, Viettel. Sự tiên phong mở đường và thành công của những tập đoàn này không chỉ là hình mẫu của sự hợp tác mà còn đem lại nhiều kinh nghiệm cho quá trình đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước châu Phi.

Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức ở Tanzania và Mozambique đã chứng kiến sự tham dự của rất đông đảo các doanh nghiệp sở tại. Các doanh nghiệp coi đây là cơ hội quý giá. Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp của cả 2 nước rất quan tâm và coi Việt Nam là thị trường cung cấp các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, giày dép, đồ da dụng, dệt may, linh kiện điện tử, giống cây trồng, vật nuôi… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu tìm thấy cơ hội đầu tư ở nước bạn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, dầu khí, viễn thông… Một số doanh nghiệp đã kết nối được với đối tác, có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tanzania, Mozambique. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Tanzania, Liên đoàn Doanh nghiệp Mozambique và sẽ sớm triển khai các hoạt động cụ thể theo tinh thần các thỏa thuận này.

Iran dù phải chịu bao vây, cấm vận một thời gian dài nhưng vẫn nằm trong số 20 nước có nền kinh tế lớn của thế giới. Điều đó cho thấy, đất nước này có tiềm năng vô cùng to lớn. Mới đây Iran đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh với Mỹ và phương Tây về việc tháo dỡ lệnh cấm vận. Ngay lập tức quốc gia Hồi giáo này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Hầu như tuần nào cũng có các đoàn khách quốc tế đến đây để tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Iran được coi như mảnh đất cuối cùng của thế giới đang ẩn chứa những tiềm năng to lớn chờ được khai thác. Cũng giống như 2 nước châu Phi, Iran đã dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt.

Tình cảm của Iran dành cho Việt Nam xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử giống nhau, cùng phải trải qua những giai đoạn khó khăn và đã vươn lên trong xây dựng đất nước. Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhất trí rằng, đây là nền tảng căn bản để quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn mới. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sẽ giành ưu tiên cho nhau nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tương xứng với sự tin cậy và gần gũi của quan hệ chính trị.

Iran có 82 triệu dân, Việt Nam có 92 triệu; cả hai nước đều nắm giữ vị trí cửa ngõ quan trọng tại 2 khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Bên cạnh hướng hợp tác lớn về dầu khí, năng lượng, viễn thông và ngân hàng, khi cấm vấn được dỡ bỏ, ngay lập tức thương mại hai chiều có thể tăng gấp đôi vì chỉ cần khôi phục lại những gì đã có. Chẳng hạn như Iran là nước nhập khẩu gạo thứ 3 thế giới trong khi Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu mặt hàng này; hoặc mặt hàng giày dép Việt Nam đang hiện diện ở các siêu thị lớn của Iran và rất được ưa chuông. Dệt may, giầy dép và gạo là những cơ hội lớn; ngoài ra cao su, đồ gỗ, cà phê, chè, linh kiện máy móc, máy vi tính, nguyên liệu hóa dầu, thiết bị xây dựng, các loại hoa quả, phân bón, chất dẻo nguyên liệu …cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng trao đổi.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, từ đó có điều kiện và vị thế để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế toàn cầu. Năm 2018, khi 15 hiệp định thương mại tự do đi vào thực hiện, Việt Nam sẽ là cửa ngõ để đi vào thị trường với hơn 4 tỷ dân, tổng GDP trên 70.000 tỷ USD, thương mại khoảng 31.000 tỷ USD.

Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã coi chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Iran trong những năm qua; nhất trí về việc Việt Nam và Iran cùng chia sẻ những điểm tương đồng trong lịch sử và cùng tự hào về hai nền văn hóa quốc gia đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ tịch nước khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Iran về hội nhập, phát triển và mong muốn cùng Iran hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Iran tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến tiềm năng trong chính sách hướng Đông của mình.

Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại, Việt Nam và 3 nước mà Chủ tịch nước đến thăm khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, tăng cường giao lưu chính trị, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Bạn bè khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các tổ chức khác của cơ quan lớn nhất hành tinh này. Chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, về quyết tâm hợp tác, giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển.

Trong chuyến thăm đến châu Phi và Trung Đông lần này của Chủ tịch nước, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, dầu khí đã được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các nước.

Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi cách trở, thời gian diễn ra ngắn, kết quả của chuyến thăm là rất to lớn và thiết thực. Thành công của chuyến thăm cùng với những thỏa thuận, văn kiện đạt được là dấu mốc quan trọng và là nền tảng vững chắc đưa quan hệ của Việt Nam với ba nước Tanzania, Mozambique và Iran lên một bước mới vì sự phát triển phồn thịnh của nước ta và các nước bạn bè anh em.

Chủ tịch nước và Tổng thống Iran họp báo chung Chủ tịch nước và Tổng thống Iran họp báo chung

VTV.vn - Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Iran, sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hassan Rouhani đã có cuộc họp báo chung.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước