Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành-Thứ bảy, ngày 19/11/2022 18:00 GMT+7

VTV.vn - Trong thời gian tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với lãnh đạo của nhiều nước và một số tổ chức quốc tế.

Mở rộng đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines

Hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinan Marcos, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước mở rộng sang các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số, tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và năng lượng tái tạo.

Tổng thống Ferdinan Marcos khẳng định luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam xuất phát từ thực tiễn Việt Nam vừa gần gũi với Philippines, vừa là anh em vừa là đối tác.

Tổng thống đánh giá cao tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã luôn nhiệt tình hỗ trợ Philippines đảm bảo an ninh lương thực. Việc Việt Nam cam kết bảo đảm nguồn cung gạo góp phần quan trọng vào nỗ lực của Chính phủ Philippines bình ổn lương thực trong những năm qua.

Trước tình trạng bất ổn định về an ninh lương thực trên toàn cầu, Tổng thống hoan nghênh đề nghị của Chủ tịch nước về việc tiếp tục tạo thuận lợi nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tạo đà cho hai bên tiến tới mở cửa hơn nữa thị trường các loại nông sản của nhau.

Đưa quan hệ Việt Nam - Chile đi vào chiều sâu

Hội kiến Tổng thống Chile Gabriel Boric, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hai nước có quan hệ truyền thống rất tốt đẹp, phát triển thực chất, xuyên suốt là tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ mà nhân dân hai nước dành cho nhau. Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ Việt Nam - Chile đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, nhất là Chile và Việt Nam là đối tác hàng đầu của nhau tại hai khu vực Mỹ Latin và ASEAN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Chile Gabriel Boric. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chủ tịch nước mời Tổng thống Gabriel Boric sớm sang thăm Việt Nam. Tổng thống Gabriel Boric nhắc lại những kỷ niệm về mối quan hệ thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Salvador Allende, đồng thời nhất trí với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đây là di sản chung rất quý báu làm nền tảng phát triển quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống vui vẻ nhận lời mời thăm Việt Nam và nêu một số đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong khuôn khổ Hiệp định thương mại song phương cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Triển khai thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Singapore

Hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên triển khai tích cực các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao nhất là về xây dựng "Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh", coi đây là điểm nhấn hợp tác trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước mời Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam trong năm tới để trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các biện pháp đưa quan hệ Đối tác Chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Singapore và của Tổng thống Singapore thăm Việt Nam trong năm nay, ngay sau đại dịch COVID-19 đã tạo tiền đề quan trọng đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn.

Thủ tướng Singapore khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Singapore ở khu vực và nhất trí với các đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thăm chính thức Việt Nam trong năm tới.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hong Kong (Trung Quốc)

Tiếp Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông được bầu làm Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, nhấn mạnh Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 7, đối tác đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Do đó, Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác với Hong Kong (Trung Quốc).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp ông Lý Gia Siêu, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời ông Lý Gia Siêu sớm thăm Việt Nam để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên. Theo đó, hai bên nên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 5 năm tới lên 50 tỷ USD cũng như khuyến khích doanh nghiệp Hong Kong đầu tư vào các lĩnh vực bền vững, thân thiện với môi trường ở Việt Nam.

Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lý Gia Siêu khẳng định Hong Kong coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, đồng thời trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hong Kong.

Ông cũng mong muốn thăm Việt Nam và nhất trí với mục tiêu tăng trưởng thương mại song phương trong 5 năm tới, phấn đấu để Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của Hong Kong (Trung Quốc) trong ASEAN. Bên cạnh đó, Hong Kong cũng muốn phối hợp với Việt Nam về quản lý xuất nhập cảnh.

IMF: Kinh tế xanh là động lực tăng trưởng mới

Tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước chậm lại, còn việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Việt Nam, IMF và các nước càng phải tăng cường phối hợp, điều phối các chính sách nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Tổng Giám đốc IMF đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, có sức chống chịu qua đại dịch COVID-19. Việc tiếp tục chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, chú trọng năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ đem lại động lực mới cho kinh tế Việt Nam.

Tổng Giám đốc IMF mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo các chuỗi cung ứng, đồng thời nhận lời mời của Chủ tịch nước đến thăm Việt Nam vào năm sau và cam kết IMF tiếp tục tư vấn cho Việt Nam trong quản lý kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước