Chuyến thăm Liên bang Thụy Sỹ và Liên bang Nga của Chủ tịch nước mở ra nhiều tương lai tốt đẹp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 04/12/2021 19:48 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm Thụy Sỹ và Nga là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa lớn và mở ra nhiều tương lai tốt đẹp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ, Liên bang Nga và các cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại Geneva.

Là hai nước có vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới và là đối tác truyền thống của Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch nước không chỉ nhằm khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng các bạn bè truyền thống mà còn tạo thêm nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm tới, đi cùng với bảo đảm hòa bình và ổn định để phát triển.

Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin dành sự đón tiếp trọng thị và rất thân tình đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống đã dành trọn một ngày để đón, hội đàm, chiêu đãi chính thức và cùng Chủ tịch nước tham dự tất cả các sự kiện. Kết quả cũng rất cụ thể và thực chất. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo và hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo. Chủ tịch nước và Tổng thống cũng nhất trí hai nước sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu bao gồm 4 nước, trong đó, Thụy Sỹ là nước dẫn đầu. Hiệp định này được bắt đầu đàm phán cách đây gần 10 năm, với 16 vòng nhưng nhiều năm không có tiến triển do bế tắc về vấn đề thương mại hàng hóa, mua sắm Chính phủ và sở hữu trí tuệ.

Chuyến thăm Liên bang Thụy Sỹ và Liên bang Nga của Chủ tịch nước mở ra nhiều tương lai tốt đẹp - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin. (Ảnh: TTXVN)

Thụy Sỹ cũng mong muốn kế thúc đàm phán và ký với Việt Nam một Hiệp định Thương mại tự do với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu, có quy mô tương tự mà Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu, và làm thế nào để cả hai nước chúng ta khi có Hiệp định này rồi sẽ loại bỏ được tất cả các rào cản liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cả Việt Nam và Thụy Sỹ đều coi chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là dấu mốc để các bên đạt được tiến bộ mấu chốt trong đàm phán Hiệp định này. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra, đã cho thấy, hai nước cần phải có một khung khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương bền chặt, nhất là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp Thụy Sỹ tin tưởng trong chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hạ viện Thụy Sỹ đề cập với Chủ tịch nước. Còn ở lĩnh vực hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thụy Sỹ sẽ đón các đoàn Việt Nam sang trao đổi hợp tác cụ thể, bao gồm hợp tác giữa 5 trường đại học hàng đầu của Thụy Sỹ và các trường đại học của Việt Nam.

Việt Nam đã ký với trên 50 đối tác về tự do thương mại. Chúng tôi mong Thụy Sỹ là 1 đối tác tiếp theo của Việt Nam. Một thỏa thuận như vậy sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm vàng của chúng ta sâu sắc hơn. Và xin được có một chiếc áo cầu thủ bóng đá trên đấy có ghi tên của Chủ tịch nước và con số 8 là con số đem lại may mắn và màu đỏ là màu áo của đội tuyển Thụy Sỹ.

Nếu Thụy Sỹ là nước Việt Nam có thể trông cậy để tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì Nga - một đối tác chiến lược toàn diện, là điểm tựa, để Việt Nam nâng cao khả năng tự cường về năng lượng, quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ và kinh tế. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không chỉ để hâm nóng mối quan hệ với một đối tác có bề dày lịch sử hơn 70 năm, mà còn nâng tầm quan hệ, hợp tác với một trong những cường quốc trên thế giới trong 10 năm tới và xa hơn nữa.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng nhất trong khu vực, trong khi hai nhà lãnh đạo đã xem xét lại quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đưa ra Tuyên bố 7 điểm về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đến năm 2030. Vì vậy, hai nước đang lên kế hoạch chiến lược. Và đã quyết định lấy kinh tế trở thành một mắt xích chính. Cụ thể hai nước đã đưa ra rất nhiều ý tưởng hay, trong đó có tăng cường Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam.

Chuyến thăm Liên bang Thụy Sỹ và Liên bang Nga của Chủ tịch nước mở ra nhiều tương lai tốt đẹp - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TTXVN)

Tại các cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Chủ tịch Duma Quốc gia, Thủ tướng Nga, hay Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất và Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Nga. Chủ tịch nước cũng thẳng thắn đề cập và đưa ra những giải pháp tháo gỡ những trở ngại và khó khăn ở các dự án hợp tác cụ thể. Trong đó, có dự án Nhiệt điện Long Phú, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân và các dự án dầu khí. Để có kết quả này, trước chuyến thăm Chủ tịch nước đã có 5 cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Văn Thành, đồng thời là Chủ Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Và Phó Thủ tướng cũng có 5 cuộc làm việc khác với các Bộ, ngành để xử lý cụ thể nhiều trong số 20 vấn đề được Chủ tịch nước thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Nga.

Việc lãnh đạo của các tập đoàn lớn của Nga trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, dược phẩm và vaccine gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo về kế hoạch tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại với Việt Nam, cùng với gần 20 thỏa thuận giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp 2 nước được ký trong chuyến thăm từ hợp tác quốc phòng, kỹ thuật quân sự, đến kinh tế, văn hóa, thể thao và âm nhạc, đã cho thấy, những chắc trở trong hợp tác giữa 2 nước là hoàn toàn có thể khắc phục được, để quan hệ Việt - Nga tốt cả về chính trị lẫn tốt cả về kinh tế.

Hoạt động đa phương là một trọng tâm trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ tại Geneva và mặc dù vào ngày Chủ nhật, Chủ tịch nước đã gặp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và người đứng đầu của các tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại Geneva. Đây chính là sự tiếp nối chuyến tham dự Đại hội đồng liên hợp tại New York tháng 9 vừa qua. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị hoàn thành trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại các cuộc làm việc giữa Chủ tịch nước với Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới, hay với Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đều nhận được sử ủng hộ của các tổ chức này trong khuyến khích đổi mới sáng tạo và phòng chống đại dịch COVID-19.

Chuyến thăm Thụy Sỹ và Nga là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga, cũng như với nhiều cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Đây là sự chuẩn bị nguồn lực để Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện nay và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm tới. Trong đó, với tin cậy chính trị rất cao và quyết tâm làm sâu sắc hơn, đưa quan hệ lên tầm cao mới, việc Việt Nam và Nga ra Tuyên bố về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là minh chứng cho quyết tâm của cả hai nước trong việc mở ra một giai đoạn phát triển hợp tác mới. Điều này cũng cho thấy quá khứ giữa 2 nước đã tốt đẹp nhưng tương lai sẽ còn tốt đẹp hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước