Ông Lê Xuân Giang là công chức Tài chính Kế toán tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Chỉ một thời gian ngắn nữa, ông sẽ phải chuyển công tác sang một đơn vị khác trên địa bàn theo quy định.
Ông Giang cho biết: "Tôi công tác về xã Tự Lập từ năm 2019, đến nay cũng được thời hạn 3,5 năm nên theo quy định tôi sẽ tiếp tục phải chuyển đổi".
Câu chuyện trên chỉ là ví dụ trong số 18 lĩnh vực phải định kỳ chuyển đổi công tác.
Theo quy định, trong thời gian từ 2 đến 5 năm, có hàng trăm nghìn vị trí công tác trong cả hệ thống chính trị, nhất là các cán bộ phụ trách các lĩnh vực tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản công, đầu tư công và quản lý đất đai phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để phòng tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này kết quả có vẻ còn rất khiêm tốn. Cả năm ngoái, cả nước mới chỉ có 52 nghìn lượt cán bộ được chuyển vị trí công tác theo chủ trương này.
Thực tế cho thấy, đã có không ít nhóm lợi ích được hình thành do cán bộ đảm nhận lâu ở một vị trí công tác. Từ các nhóm lợi ích này đã dẫn đến những sai phạm gây bức xúc xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện định kỳ chuyển đổi công tác những cán bộ đảm nhận các vị trí dễ nảy sinh tiêu cực một cách thực chất, sẽ phòng ngừa hiệu quả hơn tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!