"Có cử tri hỏi việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hay không?"

Thùy An-Thứ sáu, ngày 26/03/2021 13:54 GMT+7

VTV.vn - Có ĐBQH cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm 3 mức (tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp) là hợp lý. Song có ĐBQH cho rằng cách này nhân văn nhưng kết quả chỉ tương đối.

Cử tri chờ đợi nhiều hơn thế

Sáng nay (27/3), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã nêu ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

"Đây là hoạt động người dân kỳ vọng và là thước đo sự đánh giá cán bộ, cũng như là cơ hội để những cán bộ chính trực tỏa sáng thêm một lần. Đây cũng là nơi đòi hỏi các đại biểu với tinh thần thẳng thắn, khách quan, công bằng, dám đấu tranh. Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi không mang tính hình thức", bà Mai nói.

Theo bà Mai, trong nhiệm kỳ vừa qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội khóa XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được câu hỏi của người dân, rằng: "Ông/bà có thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính thực chất hay không?".

"Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là băn khoăn, lo lắng của người dân, và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế", bà Mai cho biết.

Có cử tri hỏi việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hay không? - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng nay (26/3)

Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đang để 3 mức lấy phiếu tín nhiệm (tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp). Bà Mai cho rằng việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến mạch lạc trong việc đánh giá.

"Nhiều ý kiến cho rằng việc để 3 mức như vậy sẽ khó lượng hóa, cũng như khó so sánh việc đánh giá kết quả giữa những đối tượng được lấy tín nhiệm", bà Mai nhấn mạnh.

Cũng trong nội dung này, khía cạnh thứ 2 mà bà Mai đề cập đó là liên quan đến số lần đánh giá lấy phiếu tín nhiệm. Hiện nay, chúng ta đang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Tuy nhiên, theo bà Mai, để đánh giá được những cố gắng, tiến bộ của người được lấy ý kiến, nên chăng chúng ta nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/1 nhiệm kỳ.

Lấy phiếu tín nhiệm 3 mức là hợp lý

Sau phần phát biểu của bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng đã cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm.

"Về quy định các mức lấy trong lấy phiếu tín nhiệm mà cử tri còn băn khoăn như đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu, tôi cho rằng đây không phải là lúc bàn sâu về mặt chuyên môn. Tuy nhiên tôi có mong muốn chia sẻ với cử tri là việc lấy phiếu tín nhiệm là một điều rất tiến bộ của Quốc hội nước ta. Đây là quy định nhằm kiểm tra mức độ tín nhiệm khác với quy định bỏ phiếu bất tín nhiệm như ở các nước", ông Thành nói.

Có cử tri hỏi việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hay không? - Ảnh 2.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Theo ông Thành, các nước khi bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ khi có vấn đề thực sự như bê bối, hay sự việc nghiêm trọng xảy ra. Các nước không lấy phiếu tín nhiệm trong điều kiện bình thường như ở nước ta. Vì vậy họ chỉ có hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.

"Ở nước ta, nếu phải đưa ra theo quy trình bỏ phiếu tín nhiệm thì chúng ta cũng có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Do đó quy định 3 mức tín nhiệm (tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp) trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm ở nước ta trong điều kiện bình thường là hợp lý", ông Hùng nhấn mạnh.

Nhân văn nhưng chính xác chỉ là tương đối?

Sau phần phát biểu của đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đã xin phát biểu lượt 2.

"Đơn giản nếu xét trên khía cạnh toán học thì rất khó cho việc lượng hóa chính xác. Nếu lấy 3 mức như vậy để so sánh kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người trong cùng một lần lấy phiếu sẽ rất khó so sánh là ai cao hơn, ai thấp hơn", bà Mai nói.

Bà Mai cho rằng, nếu đánh giá một cách cảm tính thì có thể thấy phương án 3 mức tín nhiệm rất nhân văn, và kết quả tương đối chính xác.

"Nhưng nếu muốn một kết quả tuyệt đối chính xác thì nên chỉ có 2 mức tín nhiệm và bất tín nhiệm", bà Mai khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước