Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) đặt vấn đề câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ khẳng định liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. Và liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang)
“Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật”, đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh.
Theo quan điểm của đại biểu này, nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Các văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật mà các kỳ Quốc hội trước đã kỳ công ban hành. Đồng thời, không quy định thô thiển lợi ích của một số bộ, ngành đặc biệt là những bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật.
Đại biểu Bộ cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật”.
Cụ thể, khuyết tật thứ nhất đó là chồng chéo với các dự án luật mà các kỳ họp của Quốc hội khóa trước đã dày công để nghiên cứu, ban hành. Khuyết tật thứ hai là dự luật đó sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn hảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ ngành đó. Khuyết tật thứ ba là vòng đời rất ngắn, kéo theo Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.
Tham nhũng chính sách
Cũng trong nội dung xây dựng pháp luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã đề cập đến vấn đề tham nhũng chính sách.
Theo bà Mai, khái niệm tham nhũng chính sách thì có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định.
“Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, bà Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)
Theo bà Mai, một dư địa có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, đó là các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra các quy định liên quan đến ưu đãi thực hiện nghĩa vụ tài chính, về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền trong quyết định các dự án cũng là mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.
Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là tham nhũng chính sách, bà Mai cho rằng, tới đây chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề.
Đầu tiên đó là cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Ngoài ra, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Cùng với đó là nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Bên cạnh đó cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi cá nhân.
“Sớm hoàn tất quá trình trao đổi số làm minh bạch hoá tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức”, bà Mai nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!